You are here:

CN 5 TN C: Người đi truyền giáo

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


CN 5 TN C: Người đi truyền giáo

Hình ảnh “thả lưới bắt cá” giúp cho người truyền giáo suy tư và rút ra được nhiều bài học thiết thựctrong việc thi hành nhiệm vụ “chài lưới bắt người” - “chinh phục được người”

 

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT THƯỜNG NIÊN V NĂM C
(Lc.5,1-11)
****

NGƯỜI ĐI TRUYỀN GIÁO
 

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà bắt cá”. Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nổi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Si-môn Phêrô sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ơng Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Si-môn: “ Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

SUY NIỆM

NGƯỜI ĐI TRUYỀN GIÁO

THẢ LƯỚI BẮT CÁ (Lc.5,4)

Đối với những người sống ở miền biển cả hay sống ở  vùng sông nước, nghề “thả lưới bắt cá” là rất phổ biến. “Lưới” là hình ảnh rất quen thuộc đối với cư dân những nơi này.

Nghề “thả lưới bắt cá” rất đa dạng, tùy từng vùng, tùy hoàn cảnh địa dư. Ở biển cả bao la thì lưới dài và rộng, ở sông rạch ao hồ thì lưới ngắn và hẹp. Lưới bắt cá cũng biến dạng theo từng hoàn cảnh và khả năng của từng người. Ngư dân khá giả thì có số lượng lưới nhiều, tàu đánh cá lớn. Ngư dân nghèo thì lưới ít, ghe xuồng  nhỏ, có khi kéo bằng tay. Có những cách thả lưới bắt cá đòi hỏi người hành nghề phải có sức mạnh, đương đầu với sóng gió nắng mưa, thậm chí rất nguy hiểm, như ở biển cả, sông lớn; nhưng có những cách thả lưới bắt cá rất nhẹ nhàng, nhàn hạ, phụ nữ hay trẻ em cũng có thể làm được, như bao lưới chất chà cho cá vào ở, chài lưới, cất vó…


Người thả lưới bắt cá cũng phải khôn ngoan, có kinh nghiệm, biết vùng nào có nhiều loại cá gì, con nước cá đi, mùa cá sinh sản, mùa cá lớn, mùa cá di chuyển…để chọn loại lưới và phương tiện phù hợp và đúng thời điểm.

Như vậy, được cá nhiều hay ít, lệ thuộc rất nhiều điều kiện, tùy mức độ “dấn thân” của người thả lưới bắt cá, hoàn cảnh, khả năng, phương tiện và môi trường họ đang sinh sống. Tất nhiên, trong đó, điều kiện dấn thân là trên hết.

Có “dấn thân”- nghĩa là “yêu nghề” - người thả lưới mới luôn năng động, biết biến đổi hoàn cảnh và tận dụng mọi thời cơ, biết rút tỉa kinh nghiệm và luôn học hỏi để nâng cao tay nghề cho khả năng làm việc của mình hữu hiệu hơn, biết tận dụng mọi phương tiện cần thiết đúng nơi và đúng lúc, biết khai thác những thuận lợi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong môi trường làm việc của mình.


Thí dụ, bạn có thể thấy ở bên cạnh một mái nhà nào đó trong miền quê ở vùng sông nước cửu long có cái vó. Người chồng bận bịu công việc đồng áng suốt ngày trong ruộng đồng, người vợ ở nhà lo việc nội trợ. Trong khi làm việc nhà, chị ấy có thể dành ra chừng 5-10 phút, bằng những động tác hết sức nhẹ nhàng, chị leo lên cây và bước ra đầu cây phía có cái vó, cây đó gọi là cầu vó, cái vó bị ấn chìm xuống nước. Chị bỏ mặc cái vó chìm xuống nước như thế, chị vào nhà tiếp tục những công việc của mình. Một lúc nào đó, chị rảnh tay, chị đi ra và leo lên cây cầu vó rồi đi ngược lại phía sau, cái vó cất lên, nhiều con cá đã lọt vào lưới . Cứ thế, trong ngày, chị lập đi lập lại công việc đó nhiều lần, thế là chị bắt được nhiều cá. Nhất là khi mùa nước lũ rút, cá từ ruộng đồng men theo kênh rạch tìm đường về sông, nhiều cá lọt vào “bẫy” cái vó. Thế đấy, người vợ chỉ ở nhà mà vẫn “thả lưới bắt cá” được rất nhiều. Gia đình ấy biết tận dụng lợi thế nơi ở của mình để có thêm thu nhập gia đình.

Chèo ra chỗ nước sâu mà bắt”. Cá nhỏ ở thường ở theo bờ. Bờ biển, bờ sông, bờ kênh, bờ rạch. Cá lớn thì ở chỗ nước sâu. Muốn thả lưới ở chỗ nước sâu phải ra khơi. Ra khơi thì nguy hiểm, vì thường gặp sóng to gió lớn. Nên ra khơi đòi người thả lưới bắt cá phải can đảm, phải dấn thân.

CHÀI LƯỚI BẮT NGƯỜI (Lc.5,10) (bản dịch Lm.Nguyễn Thế Thuấn).

Hình ảnh “thả lưới bắt cá” giúp cho người truyền giáo suy tư và rút ra được nhiều bài học thiết thựctrong việc thi hành nhiệm vụ “chài lưới bắt người” - “chinh phục được người”

Con người sống ở môi trường khác nhau, có cá tính và thụ hưởng một nền giáo dục khác nhau, trong những đất nước, những miền đất, có nền kinh tế và những tập tục khác nhau, nên muốn “bắt được” họ, “chinh phục” được họ, cần phải có những “chiếc lưới” phù hợp, những “cách thả lưới” phù hợp.

Chiếc lưới nào cũng có sự cấu tạo giống nhau, nhưng hình thức nó biến đổi đa dạng để có thể bắt cá trong những địa hình hoàn toàn khác nhau.

Người “chài lưới bắt người” cũng phải biết tận dụng mọi phương tiện hữu ích một cách sáng tạo để bắt kịp nhịp sống thời đại.

Chân lý là một, nhưng cách trình bày chân lý biến đổi theo từng thời kỳ, và thích nghi theo từng thế giới tâm hồn của mọi con người.

Một chàng thanh niên có dịp về trường xưa, ghé qua thăm thầy cũ. Trong khi ngồi trò chuyện với thầy, anh trộm nhìn một đề thi đang đặt trên bàn. Đề thi giống hệt như đề thi thầy cho lớp học của anh hai mươi năm về trước. Anh bạo dạn hỏi thầy: - “Thưa thầy, em xin lỗi, thầy cho em hỏi một câu hơi tò mò một chút, em trộm thấy đề thi mà thầy cho các sinh viên hôm nay giống hệt đề thi thầy cho lớp tụi em cách đây đã hai mươi năm?”. Thầy mỉm cười: - “Đúng vậy, anh có trí nhớ tốt đấy! Câu hỏi thì hoàn toàn giống, còn câu trả lời thì đã hoàn toàn khác!”.

Người “chài lưới bắt người” cũng phải “ra khơi”, đương đầu với những hiểm nguy. Lịch sử truyền giáo từ xa xưa, hay hiện đại, đã ghi lại những tâm gương hào hùng, đầy cảm động và thương tâm về những con người đã hy sinh khi “đến những chỗ sâu” để chài lưới bắt người, để chinh phục con người bằng Giáo Lý Tình Thương.

VÂNG LỜI THẦY, CON THẢ LƯỚI

Dân gian có câu: “người tính không bằng trời tính”. Phêrô và các bạn chắc hẳn là những người đánh cá chuyên nghiệp, Chúa Giêsu chỉ là con bác thợ mộc, cùng lắm là rành nghề thợ mộc của cha mình thôi, Người biết được bao nhiêu về kinh nghiệm nghề thả lưới bắt cá, mà dạy các ông? Thế nên, trước khi vâng lời Thầy, Phêrô phải lên tiếng cho Thầy biết: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Ta có thể đọc được trong lòng Phêrô, qua cá tính của ông, lời ông không nói ra: - “Kinh nghiệm nghề nghiệp như chúng con đây mà hôm nay còn không bắt được cá, huống chi Thầy!”. Phêrô vâng lời cho Thầy vui vậy thôi, chứ ông hoài nghi lắm, nếu không muốn nói là ông không hề tin! Nhưng kết quả hoàn toàn khác! Tất cả mọi người ở đó đều kinh ngạc! Phêrô sụp lạy Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Lúc này thì Phêrô chịu thú tội rồi! Tội gì thế? – Chính là tội đã hoài nghi Chúa!

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thả lưới bắt người”. Chúa Giêsu đã chọn Phêrô và các bạn. Phêrô đã tin tưởng vào thầy và đã theo Thầy.

Làm sao thế giới có thể biến đổi như ngày hôm nay chỉ với bằng đó những con người chài cá?

Làm sao người Kitô hữu có mặt trên khắp thế giới hôm nay chỉ từ những con người tầm thường như thế?

Làm sao một đế quốc bành trướng La-mã lại có thể sụp đổ vì giáo thuyết được truyền bá từ  những con người vô danh tiểu tốt như thế?

Khó mà tin nổi! – Nhưng đó lại là sự thật!

“Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau (Nê-rô bạo chúa và Phê-rô)… đó là giây phút đọ nhãn quan của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia - chính cụ già khoác manh áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh muôn đời sau, cả thế gian lẫn thành đô này” (QUO VADIS).

Tất cả là quyền năng của Chúa. Là sức mạnh của Ngài.

Chúng ta làm tất cả những gì có thể làm được, hết khả năng, trọn tấm lòng, vì lòng yêu mến Chúa. Kết quả thế nào, là hoàn toàn do thánh ý Chúa định. Con người tầm thường, chỉ là thân cát bụi, Chúa làm nên tất cả, chẳng có gì con người phải kể lể, phô trương, khoe khoang, tự hào những công trận, những thành quả của mình.  

Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi”. (Lc.17,10).

CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO

Hình ảnh người đi “chài lưới bắt người” hay “người thợ gặt lúa”… là những hình ảnh sống động về Cánh Đồng Truyền Giáo.

Chúa vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội, Ngài tiếp tục sai đi những con người dấn thân vì Nước Trời. Thế giới đang cần những Ki-tô hữu xả thân để đem nhiều người về với Chúa. Để thế giới an bình trong tình huynh đệ, chung một Niềm Tin vào một Thiên Chúa là Cha. 

“Từ nay, anh sẽ là người chài lưới bắt người”(Lc.5,10)

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc.10,2).

“Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc.16,15).

 Lạy Chúa,
 Xin hãy dùng con,
 Như khí cụ bình an của Chúa…
 (Phanxicô Assisi)

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

12767915
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
4142
15032
60071
12637346
247619
303367
12767915

Your IP: 18.191.211.66
Server Time: 2024-04-25 09:30:52