Lễ Chúa Ba Ngôi: Nguồn Sống
Lễ Chúa Ba Ngôi: Nguồn Sống
a. Sự sống từ nguồn yêu thương…
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). - Con người phải luôn “nằm lòng” định nghĩa đó.
Thiên Chúa tạo dựng vũ hoàn này, để tỏ vinh quang Ngài, và muốn con người được cùng Ngài chung hưởng vinh quang ấy. “Chung hưởng” có nghĩa là phải “liên kết”. “Tách lìa” làm sao chung hưởng được.
SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA BA NGÔI C
(Ga.16,11-15)
****
NGUỒN SỐNG
12Khi ấy Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thày còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
____________
SUY NIỆM
NGUỒN SỐNG
“Thiên Chúa là nguồn yêu thươngvà bình an” (2Cor.13,11).
1. THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN YÊU THƯƠNG…
a. Sự sống từ nguồn yêu thương…
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). - Con người phải luôn “nằm lòng” định nghĩa đó.
Thiên Chúa tạo dựng vũ hoàn này, để tỏ vinh quang Ngài, và muốn con người được cùng Ngài chung hưởng vinh quang ấy. “Chung hưởng” có nghĩa là phải “liên kết”. “Tách lìa” làm sao chung hưởng được.
“Chung hưởng”, không phải vì con người nhờ tài trí khôn ngoan mà có phần “công trận” của mình trong đó, hay nhờ đức độ chân tu mà có “cổ phần” hùn hạp trong đó. Con người chẳng là gì cả. Trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là số không. Tất cả là vì Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Con người là thụ tạo, nên “chung hưởng” có nghĩa là được hưởng “ân huệ” Thiên Chúa ban cho. Vì tất cả mọi sự là của Ngài. Tất cả là Hồng Ân. Chính vì thế, con người được “ca tụng Chúa” là một hồng ân, và đó cũng là bổn phận của con người. Đó là Đạo Hiếu. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài. Thiên Chúa sinh ra con người. Thiên Chúa là Cha. Đó là nguồn yêu thương. Nguồn yêu thương chính là nguồn sống vậy !
Lạy Cha chí thánh,
Chúng con tuyên xưng Cha là Đấng cao cả, đã tác tạo mọi sự theo thượng trí và tình thương. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hóa, con người cai quản mọi loài thụ tạo. (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
b. Không thể tách lìa khỏi nguồn yêu thương.
Nhưng, đau đớn thay, con người đã tự tách lìa khỏi nguồn sống. Con người tự rời xa nguồn yêu thương của Thiên Chúa.
“Cây có cội, nước có nguồn”, nguyên tắc ấy bất di bất dịch. Đó là định luật sống còn.
Có thể nào một cành cây vẫn xanh tươi khi nó đá xa lìa cội rễ của nó ?
Có thể nào một dòng sông vẫn tuôn chảy khi nó đã tách lìa khỏi suối nguồn ?
Có thể nào mạch máu vẫn tràn đầy máu tươi hồng khi đã tách khỏi trái tim ?
Nên, con người phải chết khi tự mình tách khỏi “nguồn yêu thương” của Thiên Chúa.
“Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (Stk.3,19).
Nhưng, “nguồn yêu thương” của Thiên Chúa không bao giờ cạn kiệt. Mãnh liệt. Nên “nguồn yêu thương” ấy phá vỡ mọi đê điều, mọi vách chắn, những thứ ngăn cản “nguồn yêu thương” ấy tuôn đổ đến con người, để con người được sống còn, được an toàn.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.(Ga.3,16).
Có thể tìm thấy một tình yêu nào trên cuộc đời này lớn hơn thế không ?
“Để chu toàn ý định của Cha, Người (Con Một của Ngài) đã nộp mình chịu chết, và từ cõi chết sống lại, Người hủy diệt sự chết và canh tân sự sống” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV)
2. THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN BÌNH AN.
Trên cuộc đời này, ai có thể cho ta bình an ?
- Chỉ có người yêu thương ta thật sự mới có thể cho ta bình an - ít nhất là thứ bình an trong giới hạn con người.
Còn ai cho ta tình yêu trọn vẹn bằng Tình Yêu Thiên Chúa dành cho ta ?
Còn ấm áp nào hơn được gọi Thiên Chúa là Cha ?
Dòng đời nhiều cay đắng quá. Sóng gió cuộc đời làm dậy sóng trong cõi lòng ta. Chạy theo tình yêu cuộc đời, ta quên đi tình yêu Thiên Chúa. Nếm những đắng cay tình đời ta mới hiểu Chúa mới là nguồn bình an đích thật trong lòng mình.
Lòng ta nhơ bẩn vì thú vui cuộc đời. Lòng tan nát vì gian dối tình đời. Lòng ta thù hận vì tham vọng một đời…
Mang thân tơi tả ta trở về Nhà Cha. Lửa Tình Yêu của Chúa Thánh Thần sưởi ấm lại lòng ta. Ta quay về sau một thuở đi hoang chạy theo những thứ hạnh phúc ảo ảnh.
Lạy Cha, từ nơi Cha, Người đã sai Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu đến với các tín hữu, để Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công viện thánh hóa. (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
3. CHÚA LÀ NGUỒN SỐNG ĐỜI CON
Và, cuộc đời, khi ta dừng lại tất cả những cuộc vui phù phiếm, lòng trống vắng, ta khát khao mái ấm Tình Cha. Ngay khi bước chân lầm lỡ trở về, lòng sám hối chưa trọn vẹn, ta vẫn được vòng tay Cha nồng ấm ôm ta vào lòng. Khi tất cả người đời ngoảnh mặt lạnh lùng bỏ rơi, sự tiếp đón của Cha vẫn ân cần trang trọng và lớn lao nhất, vì Tình Cha đâu có bến bờ.
Để chứng thực anh em là con cái , Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !”. (Gl.4,6).
Chúa Ba Ngôi là nguồn sống đời ta. Bình an không thể không có tình yêu. Một thế giới bình an là một thế giới phải có tình yêu. Nguồn tình yêu Chúa trào tràn mà trong lòng người lại rất hiếm.
Nguồn sống của nhân loại chính là nguồn tình thương và bình an của Chúa Ba Ngôi vậy !
“Cầu chúc tòan thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô. Đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Amen” (2Cr.13,13).
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Con thờ lạy Chúa !
Trong bóng tối tử thần…
Con đã thấy ánh bình minh Thập Giá.
Trong mồ sâu tuyệt vọng…
con đã thấy ánh sáng Phục Sinh
Trong bước đường đời hồn xác tả tơi…
Con nghe sức mạnh vực con đứng dậy…
Ôi, Nguồn Tình Yêu : Cứu Chuộc và Thánh Hóa…
Nước mắt rơi không tả hết nỗi lòng.
Đời tàn tạ trước tình Ngài quá lớn…
Ngôn ngữ nào cũng không đủ yêu thương ! Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG