Bữa Ăn Miễn Phí | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
- Chi tiết
- Chuyên mục: Chuyện đạo đời
- Được đăng ngày Thứ bảy, 22 Tháng 5 2021 10:21
- Viết bởi Anton Tiếng
- Lượt xem: 504
Bữa Ăn Miễn Phí | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
Một hợp đồng mua bán xem ra quá "dễ ăn"... nhưng coi chừng thế kẹt không gỡ ra được.
Một cuộc hợp tác chính trị xem ra quá có lợi... nhưng coi chừng nguy hiểm tiềm ẩn cho cả dân tộc.
Một cuộc tiến quân xem ra quá an toàn... nhưng coi chừng bị mai phục làm đoàn quân tan tác...
Bữa Ăn Miễn Phí
Có một câu chuyện thú vị như sau:
Đôi giày miễn phí
Tiểu Lâm rất thích tranh thủ những món hời nhỏ như muốn mua một đôi giày tốt nhưng không sẵn lòng chi tiền tương xứng. Một ngày, người bán giày nói với anh ta:
- Anh có thể tùy ý chọn một đôi giày của tôi, không tính tiền một xu, nhưng anh phải đáp ứng điều kiện là không được nói lời nào trong vòng 3 ngày.
Tiểu Lâm nghĩ bụng: Chuyện này có gì khó, thật là lời thách đố chẳng ra gì. Sau đó, anh ta lựa chọn một đôi giày giá 500 nghìn và vui vẻ về nhà.
Khi vợ hỏi:
- Đôi giày này giá bao nhiêu?
Tiểu Lâm im lặng. Dù vợ có nói gì, anh ta vẫn im lặng.
Cả nhà ai cũng lo lắng, thậm chí thầy thuốc cũng không tìm ra anh ta mắc bệnh gì và cho rằng có thể đó là một căn bệnh lạ, vô phương cứu chữa.
Ba ngày sau, người bán hàng đến nhà họ, nói vài câu với người vợ rồi khẽ nói với Tiểu Lâm:
- Thời hạn đã hết, anh có thể nói chuyện được rồi. Sau đó, người bán giày bỏ đi.
Tiểu Lâm vội chạy đến kể mọi chuyện với vợ để khoe về đôi giày anh ta mới có được. Không ngờ, người vợ ngạc nhiên:
- Nhưng anh bán giày vừa rồi nói rằng, anh ta có thể chữa lành bệnh cho anh và tính phí 1 triệu đồng…
____________________
Chút Suy Tư
+ 1. Cái gì xem ra "dễ ăn" cái đó nguy hiểm.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến chuyện thường tình trong cuộc sống thôi, không đề cập đến chuyện đặc biệt của những tấm lòng cao cả kiểu như "Thánh Nhân giữa đời thường", xả thân giúp người, từ bi bác ái chân chính...
Trong dân gian từ "dễ ăn" rất thông dụng. Bởi động từ "ăn" không chỉ nói theo nghĩa đen là "ăn uống" mà còn theo nghĩa bóng rất nhiều góc cạnh cuộc đời. Thí dụ: Ăn bám, ăn bẩn, ăn chơi, ăn chỉa, ăn gian, ăn bớt, ăn hối lộ... Rồi còn nói đến những khía cạnh sâu xa khác nữa trong sinh hoạt đời thường của con người. Thí dụ: Gia đình đó có ăn lắm, lúc này làm ăn được, chuyện đó không dễ ăn đâu...
Nên chỉ riêng từ "ăn" thôi, nó tạo ra biết bao "cạm bẫy" trong cuộc sống, và không ít người đã sa bẫy vì nó...bởi vì cái gì xem ra dễ ăn đều thường có nguy hiểm kèm theo.
Một bữa ăn miễn phí.
Một lời hứa hẹn hấp dẫn.
Những lời rót mật ngọt ngào...
+ 2. Từ cạm bẫy đến lừa đảo tinh vi
Ngập tràn những cuộc lừa đảo lớn chuyện và tinh vi "nhân danh người nghèo" ngày một phổ biến và lây lan khắp nơi. Ai từng lang thang trên trên mạng đều thấy chuyện đó. Nó lọt vào loại "ăn bớt, ăn chia, ăn bẩn..." mà vẫn khoác lên mình màu áo đạo đức.
Những người tạo "cạm bẫy" thường khi lại sa bẫy chính mình, mất hết danh dự, "thân bại danh liệt", có khi còn vướng víu pháp luật.
+ 3. Lợi và Hại
Câu chuyên "Đôi giày miễn phí", nghe thật buồn cười, dù đó có thể chỉ là chuyện vui, nhưng ý nghĩa sâu xa của nó rất gần với cuộc sống thực tế.
Tiểu Lâm nghĩ bụng: Chuyện này có gì khó, thật là lời thách đố chẳng ra gì. Sau đó, anh ta lựa chọn một đôi giày giá 500 nghìn và vui vẻ về nhà.
Tiểu Lâm vội chạy đến kể mọi chuyện với vợ để khoe về đôi giày anh ta mới có được. Không ngờ, người vợ ngạc nhiên: Nhưng anh bán giày vừa rồi nói rằng, anh ta có thể chữa lành bệnh cho anh và tính phí 1 triệu đồng… (trích truyện}
Ta có thể suy nghĩ thêm về nhiều góc cạnh khác :
Một hợp đồng mua bán xem ra quá "dễ ăn"... nhưng coi chừng thế kẹt không gỡ ra được.
Một cuộc hợp tác chính trị xem ra quá có lợi... nhưng coi chừng nguy hiểm tiềm ẩn cho cả dân tộc.
Một cuộc tiến quân xem ra quá an toàn... nhưng coi chừng bị mai phục làm đoàn quân tan tác...
Đoàn quân tiến vào dưới chân núi
Đoàn quân mai phục trên núi (ảnh phim)
Tất cả những cái lợi như một món hời từ trên trời rơi xuống thì coi chừng cái Hại kề một bên.
Có những cái lợi nhiều khi đúng là một "Bữa Ăn Miễn Phí" mấy ai từ chối. Nhưng ranh giới giữa Lợi và Hại lắm khi không rõ ràng đâu.
Trước tiên là Nghị Lực Chính Mình để tạo Bữa Cơm bằng cái giá mồ hôi nước mắt của mình, công sức của mình, đó mới là Ý Nghĩa Cuộc Sống.
Tay bưng lấy bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Có thể một lúc nào đó, có khi là ta sa cơ, có khi là ta đứng trước định mệnh nghiệt ngã nào đó, sự chọn lựa trước những cái lợi không có sự đóng góp công sức của ta, nó đòi hỏi nơi ta sự bình tâm, khôn ngoan, và nhất là lòng tự trọng.
MAI NHẬT THI