Cho cánh bướm tìm lại Mùa Xuân | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
- Chi tiết
- Chuyên mục: Chuyện đạo đời
- Được đăng ngày Thứ hai, 14 Tháng 2 2022 08:30
- Viết bởi Anton Tiếng
- Lượt xem: 623
Cho cánh bướm tìm lại Mùa Xuân | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
Bài học không chỉ là câu chuyện của một con bướm gãy cánh... Nó còn đi xa hơn nữa...
- Ai là hình ảnh của những cánh bướm mang thương tích ?
Cho Cánh Bướm tìm lại Mùa Xuân
Trong ngày đầu năm, cánh bướm bay khoe sắc bên những bông hoa tạo ra nhiều thi vị. Song, còn có câu chuyện tuyệt vời đầy tính nhân văn về cánh bướm mà có thể bạn chưa biết.
Vá cánh cho một con bướm, có lẽ chúng ta nghe những câu chuyện như vậy lúc còn thơ ấu khi đọc trong cổ tích. Khi lớn lên, hầu hết chúng ta tin rằng đó chỉ là trí tưởng tượng của tác giả viết sách chứ không nghĩ trường hợp ấy tồn tại ngoài đời thật. Cũng đúng thôi, ai mà lại quan tâm đến việc 1 con côn trùng bị gãy cánh chứ ! Dù nếu có quan tâm đi nữa thì cũng chẳng thể giúp gì được chúng cả.
Thế nhưng, chị Romy McCloskey ở Houston, bang Texas (Mỹ), lại tỏ ra rất quan tâm đến loài bướm và đã làm điều không tưởng : Vá cánh cho những con bướm.
Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu khi hai đứa con của McCloskey làm rơi 1 tổ kén. Ngày hôm sau, chúng phát hiện những con bướm từ tổ kén bay ra. McCloskey lúc đó cũng có mặt và dạy cho các con bài học về thiên nhiên, tình yêu với các loài vật. Thế rồi 3 mẹ con trông thấy 1 con bướm chui ra từ tổ kén với 1 bên cánh bị gãy khiến nó không thể bay. Tình cảnh con bướm khi đó thật tội nghiệp. Có lẽ nó đã bị thương do sự cố rơi tổ.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều người sẽ tắc lưỡi coi đấy là chuyện bình thường trong thế giới loài vật. Thậm chí, những người "máu lạnh" còn sẵn sàng cầm con bướm đó ném đi chỗ khác để kiến khỏi bu vào, ảnh hưởng đến vệ sinh ngôi nhà. Nhưng không hiểu sao, mẹ con chị McCloskey khi đó lại rất xúc động trước nghị lực của con bướm và 1 đứa con của chị đã yêu cầu mẹ tìm cách nào đó giúp cho con bướm khỏi cảnh đáng thương.
Đang lúc dạy dỗ các con về tình yêu dành cho thiên nhiên, chị McCloskey cảm thấy mình phải có trách nhiệm cứu sống con bướm này. Vì vậy, chị không ngần ngại mang con bướm vào nhà và nghiên cứu cách cứu.
Đọc một số tài liệu về côn trùng và tham khảo các thông tin trên mạng, chị McCloskey bắt tay vào phẫu thuật với dụng cụ là kéo, ghim, chỉ, keo và bột dính.
Đầu tiên, chị dùng chỉ và ghim để cố định con bướm, vì nó mà giãy giụa thì không thể thực hiện được. Tiếp đến, chị dùng kéo cắt phần cánh hỏng đi và bồi đắp cánh mời vào. Chị McCloskey lấy cánh của 1 con bướm chết để dán vào cánh của con bướm bị thương. Cuối cùng, chị rắc phấn lên cánh để hoàn thiện mối dán và cả 3 mẹ con hồi hộp chờ kết quả.
Chị McCloskey kể rằng suốt đêm hôm đó vừa nằm vừa cầu nguyện để con bướm bình phục. Điều kỳ diệu đã xảy ra ngày hôm sau khi 3 mẹ con chị cho con bướm "xuất viện". Con bướm đó sau khi được thả đã bay vào khu vườn với đôi cánh mới, hòa nhịp đập cánh với những người anh em của nó. Vòng đời của loài bướm không lâu, chỉ kéo dài vài tuần, nhưng chị McCloskey và các con tin rằng họ đã làm được một điều kỳ diệu.
Sau khi chị khoe "thành tựu y học" trên mạng, rất nhiều trẻ em quanh vùng đã mang đến cho mẹ con chị những con bướm bị thương. Đã có không ít con bướm thay đổi cuộc đời qua bàn tay khéo léo và tấm lòng nhân hạu của chị McCloskey. Mỗi lần điều trị là một lần rút kinh nghiệm và mẹ con chị McCloskey đã chia sẻ lên mạng cách cứu sống những con bướm không may bị gãy cánh. Với mẹ con chị McClosekey, đó không chỉ là chia sẻ kiến thức mà còn là hành động kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, lan tỏa tình yêu cuộc sống.
Sưu tầm
_____________
Chút Suy Tư
+ 1. Ai là cánh bướm mang thương tích ?
Bài học không chỉ là câu chuyện của một con bướm gãy cánh... Nó còn đi xa hơn nữa...
- Ai là hình ảnh của những cánh bướm mang thương tích ?
Một ai đó... quanh ta, hay người xa xứ lạ... Hay có khi là chính ta !
Cánh bướm, hay cánh chim, hay đôi chân, đôi tay, hay vết thương nào đó, thể xác, hay tâm hồn... đã làm cản trở cuộc hành trình cuộc sống. Cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời, tận hưởng cuộc đời và làm đẹp cuộc đời.
Hẳn ai yêu thích nhạc trước 75, đều nhớ bản nhạc Qua Cơn Mê của Trịnh Lâm Ngân, được tác giả viết năm 1971, trong đó có câu :"Còn tôi như cánh chim. Sẽ bay đi muôn phương. Mang về mầm xanh tươi. Khi lá hoa thật nhiều. Trái yêu thương đầy cành. Hái đem cho mọi người...". Lời lẽ thật đẹp... nhưng thực tế, biết bao Cánh Chim khi "Qua Cơn Mê" đã... gãy cánh... còn đâu niềm mơ ước "sẽ bay đi muôn phương... mang về mầm xanh tươi..." Nghĩa là ước vọng Mùa Xuân không thực hiện được !
Đôi cánh, được hiểu theo nghĩa rộng, là phương tiện để bay vào khung trời mơ ước, khung trời mùa xuân cuộc đời... nhưng đôi cánh mang thương tích, cánh bướm tật nguyền, chim trời gãy cánh, một cuộc đời sa cơ... thì khó có cơ hội tận hưởng khung trời hạnh phúc, mùa xuân cuộc sống.
Người đó là ai... "Một ai đó... quanh ta, hay người xa xứ lạ... Hay có khi là chính ta !". Hôm qua, hôm nay... hay một ngày mai...
"Thế rồi 3 mẹ con trông thấy 1 con bướm chui ra từ tổ kén với 1 bên cánh bị gãy khiến nó không thể bay. Tình cảnh con bướm khi đó thật tội nghiệp. Có lẽ nó đã bị thương do sự cố rơi tổ." (trích truyện).
+ 2. Ai là người chắp vá lại đôi cánh cho đời ?
Một con bướm gãy cánh ư ?- Người ta thường lạnh lùng với thiên nhiên, chắc rồi. Nói chung là vậy !
"Cũng đúng thôi, ai mà lại quan tâm đến việc 1 con côn trùng bị gãy cánh chứ ! Dù nếu có quan tâm đi nữa thì cũng chẳng thể giúp gì được chúng cả." (trích truyện).
"Trong hoàn cảnh đó, nhiều người sẽ tắc lưỡi coi đấy là chuyện bình thường trong thế giới loài vật. Thậm chí, những người "máu lạnh" còn sẵn sàng cầm con bướm đó ném đi chỗ khác để kiến khỏi bu vào, ảnh hưởng đến vệ sinh ngôi nhà." (trích truyện).
Đừng nói gì đến đối với côn trùng, loài vật... đối với con người, đồng loại, nhiều trường hợp, cũng đâu có chắc gì hơn !
"Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều. Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn. Và cơn đau này vẫn còn đây" (Bài không tên số 2, Vũ Thành An)
Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa?(Bài không tên số 4, Vũ Thành An)
Nhưng, cuộc đời vẫn còn đẹp nhờ những tấm lòng chân thiện âm thầm, mà việc làm xem ra rất bình thường, thậm chí có vẻ tầm thường, nhưng lại rất phi thường.
Họ là những cô tiên, những ông tiên hiền hòa đã chắp vá lại những "đôi cánh cho đời", những mảnh đời thương tích, sa cơ, là đà trong vùng tăm tối, không thể bay lên được, không thề vươn cao, không thể vói tay tới Mùa Xuân Hạnh Phúc.
"Chị McCloskey kể rằng suốt đêm hôm đó vừa nằm vừa cầu nguyện để con bướm bình phục. Điều kỳ diệu đã xảy ra ngày hôm sau khi 3 mẹ con chị cho con bướm "xuất viện". Con bướm đó sau khi được thả đã bay vào khu vườn với đôi cánh mới, hòa nhịp đập cánh với những người anh em của nó."(trích truyện).
+ 3. Khi cánh bướm có thể bay lên cao.
Khi cánh bướm có thể bay lên cao, là Mùa Xuân đong đầy hạnh phúc. Đó là niềm vui cho chính con bướm tật nguyền vừa được chữa lành vết thương đôi cánh, và cũng là niềm vui của người đã góp phần cho cánh bướm được bay cao !
Ai biết ai vui hơn ai ? Chuyện buồn vui trong lòng đâu "cân đong đo đếm được" !
Trong Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm có một đoạn thơ cuối diễn tả nỗi đau buồn của đôi vợ chồng trẻ lúc chia tay nhau ngày chồng ra chiến trận. Nỗi đau thật quặn thắt và não nề có lẽ không có từ ngữ nào diễn tả hay hơn được.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Ai sầu hơn ai ? Ai biết chăng ai ?
Nhìn Con Bướm với đôi cánh mới bay vào khu vườn đầy hoa xuân, con bướm vui hay người làm đôi cánh bướm vui ?
Ai vui hơn ai ? Ai biết chăng ai ?
"Con bướm đó sau khi được thả đã bay vào khu vườn với đôi cánh mới, hòa nhịp đập cánh với những người anh em của nó. Vòng đời của loài bướm không lâu, chỉ kéo dài vài tuần, nhưng chị McCloskey và các con tin rằng họ đã làm được một điều kỳ diệu." (trích truyện)
Khi con bướm sắp bị vứt đi vì đôi cánh vô dụng nhưng "họ" đã làm con bướm tung bay lên cao... Đó không phải là điều kỳ diệu sao ?
Khi có một ai đó thấy mất niềm tin yêu cuộc sống nhưng "họ" làm cho con người ấy tìm thấy lại ý nghĩa của cuộc đời - và "con tim đã vui trở lại" - Đó không phải là điều kỳ diệu sao ?
"Với mẹ con chị McClosekey, đó không chỉ là chia sẻ kiến thức mà còn là hành động kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, lan tỏa tình yêu cuộc sống." (trích truyện).
Và, nếu bạn đọc xong bài này, có một niềm vui bé nhỏ nào đó đang lan tỏa trong đáy lòng bạn... Đó không phải là điều kỳ diệu sao ?
MAI NHẬT THI