You are here:

NGƯỜI BẤT TỬ | Tâm sự của bạn | Hoàng Giang

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


NGƯỜI BẤT TỬ |
Tâm sự của bạn | Hoàng Giang

Xe đưa tôi đến trước nhà của bà cụ, căn nhà sàn nho nhỏ được lợp bằng mái tone, có chiếc cầu thang gỗ bắt lên nhà, không gian căn nhà vừa đủ để bà và người bạn đời cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời này, đặc biệt là bà riêng bán thân bà cụ.



 

 

NGƯỜI BẤT TỬ

Con mời Bà dọn tâm hồn để chuẩn bị rước Chúa nha!” - “Ừ!”. Đáp lại lời của tôi một cách thật ngắn gọn với giọng nói thật mạnh mẽvà dứt khoát được thốt ra từ một bà cụ đã trải qua gần hết 90 xuân của tuổi đời.

Đây là lần thứ hai tôi được đi trao Mình Thánh Chúa cho những người già yếu, bệnh tật, không đến nhà thờ tham dự thánh lễ và rước Chúa được. Theo thông lệ, mỗi thứ 6 đầu tháng, Cha phó và Thầy giúp xứ đem Mình Thánh Chúa đến với những người già yếu, bệnh tật. Giáo xứ nơi tôi giúp là một giáo xứ thuộc hạng đông dân trong giáo phận. Do đó, có rất nhiều người không thể đến Nhà thờ mà phải rước Chúa tại nhà. Vì số lượng đông, nên mỗi tháng, tôi được phân chia đến những khu khác với khu mà tôi đã đi tuần trước, để Cha có thể luân phiên đến với tất cả và giải tội cho họ, nếu cần.

Tôi được một chú trong hội đồng giáo xứ chở đến từng nhà một trong khu thuộc địa bàn coi sóc của mình. Những khu xóm tại một vùng quê đang trong tiến trình quy hoạch nên cũng không được ngăn nắp lắm, những ngôi nhà còn ngỗn ngang đồ đạc cùng với đó là công trình xây dựng lại con đường mới đang thi công dỡ dang, thêm một chút nước còn động lại trên đường sau trận mưa tối qua làm cho chuyến đi không mấy được thuận êm. Chú tài chở tôi đến với một bà cụ mà theo lời chú giới thiệu một cách sơ bộ, thì bà giống như “người bất tử” vậy. Chú bộc bạch rằng: bà cụ này sống rất thọ và rất kiên cường. Cách đây hơn 20 năm, Bà đã mang bệnh tật trong người và tình hình không được khả quan, nên mọi người cứ tưởng là bà đã không qua khỏi. Thời gian ấy, bà đã được Cha đến ban Bí tích xức dầu và trao Của Ăn Đàng lần cuối cho người nguy tử như bao nhiêu người, ấy vậy mà mọi sự đã không nằm ngoài Ý Chúa và không vượt thắng được ý chí mạnh mẽ của bà. Chú tài nói thêm rằng: đã hai lần hàng xóm đến tụ họp lại ở nhà bà để đọc Kinh Hối Tử cho bà khi lâm cơn nguy kịch,… thế nhưng, mọi chuyện đâu cũng vào đấy. Đến nay, bà vẫn như mọi ngày, vẫn nằm đó, vẫn đợi đến thứ sáu đầu tiên của mỗi tháng để được rước Chúa. Thời gian ấy đã kéo dài hơn 20 năm, bà đã trải qua và được lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu của hai thời Cha Sở và năm thời Cha Phó, và bà vẫn chóng chọi với cơn bệnh trong ngần ấy thời gian.

Xe đưa tôi đến trước nhà của bà cụ, căn nhà sàn nho nhỏ được lợp bằng mái tone, có chiếc cầu thang gỗ bắt lên nhà, không gian căn nhà vừa đủ để bà và người bạn đời cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời này, đặc biệt là bà riêng bán thân bà cụ. Điều đầu tiên tôi quan sát thấy khi bước lên nhà, một người phụ nữ đang nằm trên chiếc chiếu cũ mèm, cái mền nhăn nheo đang quấn trên đầu, hai tay đang giữ chặt cái mền như muốn bịt đôi tai lại để không muốn nghe điều gì hết. Bên cạnh đó là chiếc mùng sờn màu đang cuốn vội, những chiếc gối đang ngỗn ngang trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào khi chủ nhân cần đến chúng nó. Ly nước lọc được đặt cạnh những viên thuốc đang bốc dở dang chưa kịp uống, vài bịt bánh nhỏ không có hàng ngũ cùng với tất cả những thứ con con khác cũng đang an phận với những vị trí mà chủ nhân đã sắp đặt cho nó. Tất cả những thứ linh tinh đó đang trật tự trong một tập thể lộn xộn, chắc chắn là bà cụ đã quá quen thuộc với chúng nó và sẽ lấy được ngay những thứ bà muốn nếu cần. Ngược lại với khung cảnh lộn xộn đó là một sự tỉ mỉ và ngăn nắp.

Trung tâm của ngôi nhà là một Bàn thờ thật đơn sơ, nhưng được chăm sóc kỹ lưỡng, cây Thánh giá gỗ treo giữa nhà phía trên bàn thờ, một tấm vải màu kem được trải ra và bộ tượng Gia Đình Thánh Gia được cung kính để trên, bên cạnh đó là những chậu hoa nhỏ xen lẫn hai cây nến đang cháy được đặt thứ tự xung quanh bàn thờ. Hơn nữa, lòng yêu mến Đức Mẹ của những gia đình miền quê thật đơn sơ chân chất, trong nhà có rất nhiều bức ảnh của Đức Mẹ được treo trên vách cùng với dòng chữ: “Nữ Vương Ban Sự Bình An”, như muốn đặt trọn tâm tình tha thiết khẩn cầu với một lòng phó thác sự bình an của gia đình cho Đức Mẹ. Một điều đặc biệt và không thể thiếu trong những gia đình Công giáo đó chính là thói quen lần Chuỗi mân côi. Tràng Chuỗi mân côi luôn hiện diện như một vật thánh thiêng trong gia đình. Nơi đây, tôi không thấy tràng chuỗi trên bàn thờ hay được treo trên vách nhà như mọi gia đình khác mà tôi gặp khi đến. Sau khi vào nhà, tôi chào mọi người trong nhà và đến gần bà hỏi thăm: “Con chào bà, bà khỏe không?” Đáp lại lời tôi một cách cứng ngắt là lạnh lùng xen lẫn một chút bỡ ngỡ, bà nói thật to: “Ừ!”, sau đó bà cụ liền tháo cái mền đang quấn trên đầu ra rồilây hoay kiếm một cái gì đó để giúp bà ngồi dậy, tôi liền đỡ bà ngồi dậy và giúp bà xoay về hướng Bàn thờ trong nhà. Sau một vài câu hỏi thăm ngắn gọn tôi nói: “Hôm nay Chúa đến nhà bà nè, con mời bà dọn tâm hồn để chuẩn bị rước Chúa nha!” Đáp lại tôi cũng một lời không khác gì những lần trước: “Ừ!”. Tất cả những câu hỏi, xem như tôi đã có câu trả lời trong lòng rồi vì lời nói Ừ của bà là đáp án cho tất cả những lời thăm hỏi của tôi.

Sau khi cử hành những nghi thức, tôi trao Mình Thánh Chúa cho bà, tôi thấy bà rất cung kính rước Chúa và lời tuyên xưng niềm tin của bà không còn là Ừ nữa mà chính là lời đáp thật xúc động, bà chậm rãi và từ tốn đáp “Amen”. Kết thúc nghi thức, trước khi chào gia đình để đi đến những gia đình khác, tôi quay về phía bà để nói lời chúc sức khỏe và lời chào tạm biệt như tôi vẫn thường làm, tôi thật xúc động và ngỡ ngàng một lần nữa khi nhìn thấy hành động của bà. Hai tay bà để trước ngực và đang nắm thật chặt tràng chuỗi mà bà đã đeo trên cổ tự lâu. Chắc đây là vật bất ly thân của bà từ mấy mươi năm nay chăng. Tràng chuỗi được kết từ những hạt đá màu xanh ngọc, sợi dây kim loại đã bị bào mòn theo thời gian, thế nhưng, những hạt chuỗi lại vô cùng rực sáng và lấp lánh, hình ảnhtượng chịu nạn trên cây thánh giá nhỏ cũng dần dần không còn nhìn thấy rõ nữa bởi chưng sự tiếp xúc mà đôi tay của bà chạm vào tượng chịu nạn trong một thời gian dài cũng đủ làm mòn đi tượng ảnh ấy. Chắc bà đang cảm nhận được niềm vui khi được Chúa ngự vào lòng, chắc bà đang thầm thĩ những lời tạ ơn Chúa và cũng chắc bà đang nguyện ước một điều gì đó. Đôi mắt của bà nhắm lại và bắt đầu lóe lên một giọt sáng nho nhỏ trong veo, giọt sáng ấy từ sâu bên trong đôi mắt đang chầm chậm lăn ra và đọng lại dưới mi. Tôi không nỡ ngắt ngang cảm xúc ngọt ngào ấy của bà cụ, tôi đã âm thầm rời khỏi nhà mà không vọng lại một tiếng chào tạm biệt bà, tôi chỉ gật đầu chào những người trong nhà rồi ra đi. Ngoái lại, tôi thấy giọt sáng đã thôi nghỉ ngơi trên mi mắt ấy, tiếp tục lăn và rơi xuống hòa lẫn với những hạt châu mân côi cũng vô cùng rực sáng không kém.

Một cảm xúc thật, tôi mang về làm một món quà cho mình. Tôi thật vô cùng bị đánh động bởi hình ảnh của bà cụ “bất tử” này. Mỗi tháng bà chỉ được rước Chúa một lần thôi, một lần cho một tháng, nhưng bà vô cùng hạnh phúc, và niềm hạnh phúc đó đã vỡ òa ra qua những cảm xúc của bà. Nhìn lại mình, tôi được may mắn và thậm chí là rất may mắn hơn bà và mọi người, mỗi ngày tôi được rước Chúa tới tận hai lần, thế nhưng tôi ít khi có được cảm xúc giống như bà. Tự vấn lại bản thân mình, tôi đã có lòng luôn khao khát được Chúa ngự vào lòng mình hằng ngày đến nỗi mỗi lần được rước Chúa, tôi sẽ vui mừng và hạnh phúc tận hưởng cảm giác thỏa mãn và đầy đủ nhất trong cuộc đời này chưa? Lời tự vấn ấy vẫn còn đeo bám tôi mỗi khi tôi nhớ tới bà cụ và mỗi lần tôi tham dự Thánh lễ.

Chưa được hai tuần sau đó, tôi nghe được một tin mà trong lòng tôi vừa buồn cũng vừa vui cho bà. Bà đã được Chúa gọi về với Chúa. Tôi thấy buồn vì tôi cũng luôn muốn được hâm nóng lại cảm giác hạnh phúc khi được Rước Chúa của mình qua mỗi lần nhìn thấy bà Rước Chúa, và tôi cũng thầm mừng vui vì bà đã được giải thoát khỏi sự đau đớn của bệnh tật sau những năm tháng dài bà phải mang gánh. Hơn hết là tôi tin chắc rằng, cảm giác hạnh phúc mỗi lần được rước Chúa sẽ làm cho bà luôn khao khát để được về với Chúa, để tận hưởng mãi mãi niềm hạnh phúc muôn đời mà không cần phải đợi đến mỗi thứ sáu đầu tháng bà mới cảm nhận được. Nguyện ước Chúa là niềm hạnh phúc của bà giơ đôi tay đón rước bà về bên Người và tôi cũng tin chắc rằng, nhờ những hạt châu mân côi, Mẹ Maria sẽ giúp đưa bà đến gần hơn với Nguồn Hạnh Phúc Bất Diệt ấy. Và tôi sẽ nhớ đến bà với biệt danh “Người Bất Tử” vì chưng, một niềm khao khát hạnh phúc bất tử luôn hiện diện trong một con người cũng được mọi người xung quanh yêu thương gọi là “Người Bất Tử”.

Gabriel HOÀNG GIANG
An Long, một ngày Thứ Sáu


 

Đang có 110 khách và không thành viên đang online

15473726
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
9936
11011
32144
15323083
32144
413215
15473726

Your IP: 3.138.114.140
Server Time: 2024-12-03 23:39:37