Cha ơi! Mẹ ơi!
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ năm, 15 Tháng 10 2015 19:36
- Lượt xem: 2256
Cha ơi! Mẹ ơi!
Hôm nay, trời mưa hoài, tôi ấm áp trong chiếc chăn quắn chặt. Tôi đi học, tôi nhàm chán, tôi lười học, tôi chán ngấy với những con số và hôm nay tôi phải kiểm tra. Tôi hoang mang, tôi lo sợ sẽ bị điểm kém! Sao hôm nay mưa hoài, từ sáng đến tận tối, mưa lắc rắc, chia làm nhiều đợt. Trong khi tôi ở nhà ấm áp thì hiện giờ cha tôi đang lạnh lẽo trên đồng trống, mưa bão và tối tăm. (...)
Tâm tình bạn trẻ
NẮNG HỒNG
Chia sẻ cùng các bạn
Cha ơi! Mẹ ơi!
Ảnh chỉ có tính minh họa
Hôm nay, trời mưa hoài, tôi ấm áp trong chiếc chăn quắn chặt. Tôi đi học, tôi nhàm chán, tôi lười học, tôi chán ngấy với những con số và hôm nay tôi phải kiểm tra. Tôi hoang mang, tôi lo sợ sẽ bị điểm kém! Sao hôm nay mưa hoài, từ sáng đến tận tối, mưa lắc rắc, chia làm nhiều đợt. Trong khi tôi ở nhà ấm áp thì hiện giờ cha tôi đang lạnh lẽo trên đồng trống, mưa bão và tối tăm.
Năm nay ông đã gần 60 tuổi rồi còn phải quần quật với công việc làm thuê của nghề chài lưới. Cha tôi làm cho cô út tôi, bây giờ nước đang đổ nên phải tranh thủ bắt cá, mà đặc biệt muốn bắt được nhiều cá phải đi vào ban đêm. Thế là cha tôi cả đêm phải thức trắng còn ban ngày thì tranh thủ ngủ. Mỗi đêm như vậy cha được trả công 90 nghìn. Cả đêm thức trắng để đổi lấy 90 nghìn đối với tôi thì không cân xứng cho một đêm mưa gió lạnh lẽo. Vậy mà khi về đến nhà cha lại rất vui và không một lời than thở. Với 90 nghìn đủ để mẹ tôi trang trãi trong một ngày và cũng có thể dành dụm một chút ít cho ngày hôm sau. Tôi nghĩ bởi vì cha biết được điều đó nên cho dù phải chịu lạnh, phải thức trắng thậm chí là nguy hiểm cha cũng vui lòng. Bây giờ là mùa mưa mang theo những cơn bão cùng những đợt sấm chớp, chúng thường hay ghé thăm những chiếc thuyền trên đồng trống lắm. Có rất nhiều người ra đi kiểu như vậy. Bởi thế, mỗi khi trời mưa gió là mẹ tôi lại đứng ngồi không yên, cả đêm không ngủ được, chỉ nhắm mắt để đó. Lâu lâu, mẹ lại bảo với tôi “cha tụi mầy sao giờ này còn chưa về nữa!”.
Khi nghĩ về cha, tôi thường rất ít cảm xúc bởi vì cha rất ít nói, không than thở nhiều, có cực khổ mấy cũng không nói ra. Nhưng những cái rám nắng trên da cùng những vết hằn ở phía cổ và đuôi mắt là một minh chứng cho sự cực nhọc, hi sinh vì gia đình của cha. Có hôm trước khi đi làm, tôi thấy cha xé một vài viên thuốc bỏ vào túi rồi tự bảo “Nếu trong người thấy nóng thì uống…” Cha tôi không phải là người làm nhiều nghề, ông chỉ làm có mỗi một nghề là chài lưới quanh năm. Nếu không ai thuê thì cha sẽ dùng lưới nhà để bắt cá.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Trong khi cha tôi ngày này qua ngày khác chịu mưa gió trên đồng, mẹ tôi loay hoay bận việc với công việc nhà. Ngày ngày, tôi vẫn đến trường, khoác trên mình bộ đồng phục trắng tinh, cùng với chiếc xe đạp xinh xắn. Ngày nào cũng thế cứ đi rồi về. Và ngày nào cũng vậy, tôi làm những công việc giống hệt nhau, chẳng có gì khác, chẳng có gì thú vị. Có khác chăng là có vài lần tôi bị điểm kém, tôi hoang mang, tôi lo sợ, sợ cha mẹ biết được nên tôi đi một mạch vào phòng, mẹ tôi có hỏi han tôi cũng không thèm trả lời. Cho đến một ngày… hôm đó tôi đi học về mà sao không thấy cha, cũng không thấy mẹ, tôi nhìn sang nhà cô Út cũng chẳng thấy ai!
Trong lòng tôi có đôi chút lo sợ sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Theo thường lệ tôi đi học về là nhào vào bếp kiếm cơm liền, nhưng hôm đó tôi ăn không vô, tôi mghĩ nhiều thứ, miệng thì ăn nhưng lòng vẫn cứ nghĩ ngợi lung tung. Tôi ngồi trong nhà đợi… 1 giờ rồi đến 2 giờ… rồi đến 3 giờ cũng chắng thấy ai. Tôi càng lo sợ mà chẳng biết làm sao, tôi khó chịu, lo lắng, đầu óc cứ vẽ lên những điều khủng khiếp… Khoảng đến 4 giờ thì chợt nghe tiếng cười của mẹ tới tiếng cười của cha từ đàng xa. Tôi vội chạy ra cửa thì thấy cha mẹ với các cô chú khác đang trên đường về rất đông. Lòng tôi vui như tết, như vừa mới được lên Thiên Đàng khi nhìn thấy ba mẹ. À, thì ra là tất cả các người lớn trong xóm đi họp tổ, cuộc họp kéo dài rất lâu khiến mọi người đều than phiền và bức xúc. Khi về mọi người đều cầm trên tay một món gì đó và cha mẹ cũng vậy. Họ bàn tán sôi nổi chuyện cuộc họp thậm chí còn gây gỗ với nhau. Trong khi đó tôi vẫn im lặng nhìn cha mẹ, không một lời hỏi han nào, tôi vui lắm. Mọi hôm mẹ có hỏi thăm thế nào tôi vẫn bực bội, sao hôm nay chỉ cần nhìn thấy cha mẹ tôi lại vui và hạnh phúc đến như vậy dù rằng họ chẳng để ý đến tôi. Cảm giác như vừa tìm được thứ gì đó rất quan trọng sau khi tự đánh mất nó. Nói quá lên một chút là được tái sinh tìm lại mạng sống sai cái chết vậy.
Tối hôm ấy, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Nếu ngày hôm đó tôi vĩnh viễn cũng không nhìn thấy được cha mẹ thì sao? Nếu ngày hôm đó không phải là buổi họp tổ mà ngày bất hạnh của gia đình tôi thì sao? Hiện giờ nếu không có cha mẹ thì tôi sẽ thế nào? Những suy nghĩ làm tôi thay đổi thái độ đối với cha mẹ. Tôi không còn lơ đãng, cau có, bực bội như lúc trước nữa mà thay vào đó là thái độ tôn trọng hay nói đúng hơn là quý trọng và yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Dù biết rằng là thân phận con người ngày nào đó cũng phải xa nhau mà thôi! Nhưng nhiệm vụ hiện giờ của tôi là trân trọng những thứ mình đang có, những điều vô giá mà Thiên Chúa còn thương và trao vào tay tôi, tôi phải biết biết nắm bắt và gìn giữ.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Giờ đây, mỗi ngày đến trường tôi không lơ đãng và nhàm chán giống như trước nữa mà tôi sẽ cố gắng nỗ lực học tập thật nhiều. Hồi trước, mỗi ngày tôi chỉ biết vui chơi với bạn bè, chỉ biết so sánh sao mình lại thiếu thốn hơn các bạn và than phiền về mọi thứ khi chúng không như ý muốn. Mà tôi đâu biết rằng để có được giờ phút ngồi trên chiếc ghế nhà trường, gia đình tôi phải đánh đổi nhiều thứ cho tôi. Dù tôi đi học rất trễ nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc vì mình có cơ hội đến trường. Cả gia đình chỉ mình tôi được đi học, anh chị em tôi chỉ biết đọc, biết viết qua loa, lớn lên một chút lại phải đi làm xa nhà, ai muốn gì thì làm nấy để nuôi tôi đi học. Đi xa nhà, lại không có bằng cấp, tôi không biết anh chị tôi phải cực khổ và ngậm đắng nuốt cay thế nào mà hằng tháng vẫn có tiền đều đều gởi về nhà tuy không nhiều nhưng cũng đủ để mẹ tôi trang trải trong một tháng. Mỗi ngày tôi chỉ biết đối phó với các môn học, đầu óc sắp nổ tung vì áp lực của các bài kiểm tra, thi cử, suốt ngày tôi chỉ biết than thở sao tôi lại kém hơn người khác, chậm hiểu hơn các bạn thế rồi đâm ra tự ti, trách mình không theo kịp các bạn lại để họ bỏ xa nữa. Tôi buồn phiền, tôi lo lắng, chán nản. Suốt ngày tôi chỉ biết loay hoay trong những thứ ấy mà đâu biết rằng để tôi có được những giây phút suy nghĩ những chuyện không đâu, vô bổ ấy cha mẹ đã hi sinh cho tôi rất nhiều. Sự thật là tôi chưa bao giờ nghe một câu than thở nào từ cha mẹ dù cả cuộc đời họ đã đội nắng dầm sương để nuôi tôi khôn lớn. Vậy mà câu “ Sao khổ quá!” lại thường trực xuất hiện trên môi tôi (một đứa học sinh) một ngày khoảng vài chục lần. Có “khổ” chăng là chính sự lười nhát, luôn than thân trách phận của tôi.
Bằng tình yêu thương và sự hi sinh cha mẹ luôn đỡ đần gánh vác cho tôi. Họ đã mang vào mình những nỗi cực khổ, khó nhọc, sự lạnh lẽo, khó khăn để mang lại cho tôi những giây phút tươi đẹp và tuyệt vời nhất. Chưa kể đến những người xung quanh yêu thương tôi, luôn mong muốn mang lại cho tôi những điều tốt đẹp nhất. Họ cho tôi lời khuyên, kinh nghiệm và luôn hướng tôi đến chân-thiện-mỹ, vậy mà tôi luôn luôn xao lãng, không nhiệt tâm đón nhận mà chỉ biết tìm kiếm những thứ vật chất tầm thường. Có người chỉ cho tôi vài món quà mà tôi đã mừng rỡ và vô cùng cảm kích họ. Còn có những người cho tôi cả cuộc đời mà tôi lại xem thường và không biết trân trọng .Thật đáng tiếc cho tôi nếu tôi cứ duy trì thái độ sống như vậy! Thôi, vậy giờ đây tôi sẽ không loay hoay, nhặt nhạnh trong những điều tầm thường, vô bổ nữa mà tôi sẽ dùng đôi tay nhỏ bé này để đón lấy những điều tuyệt vời và tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa thông ban cho tôi qua cha mẹ và những người xung quanh. Cha mẹ là những người đầu tiên tôi được đón nhận những điều tốt đẹp ấy! Tôi sẽ nắm lấy và phát triển chúng bằng tất cả khả năng của mình.
NẮNG HỒNG