You are here:

NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG

Mến chào các bạn.

Mình vừa nhận được một số bài các bạn gởi về cho “Kỷ Yếu 50 năm ngày vào Chủng Viện Cái Răng  18.06.1966 – 18.06.2016”.

 

 

NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG
 


 

Mến chào các bạn.

Mình vừa nhận được một số bài các bạn gởi về cho “Kỷ Yếu 50 năm ngày vào Chủng Viện Cái Răng  18.06.1966 – 18.06.2016”.

Mình tạm đăng lên đây để các bạn cùng theo dõi, nếu có gì, các bạn có thể cho ý kiến bổ sung hoặc điều chỉnh.

Khi viết bài, các bạn vui lòng “ký tên thật” cho gần gủi, thân mật, để nhớ lại tên tuổi bạn bè ngày nào, trừ khi các bạn viết bài chia sẻ về đời tư, có những điều cần giữ bí mật - thí dụ chuyện tình cảm chẳng hạn -  sợ…vợ con buồn, thì các bạn.. vì lý do “an toàn”,  đành ký “bút hiệu” vậy! Nếu có thể được, xin các bạn gởi cho tấm hình “tác giả bài viết” mới nhất, một mình, hay với gia đình cũng được.

Thời gian không còn dài, mong các bạn tranh thủ để thuận lợi trong việc in ấn.

Bài của các bạn sẽ đăng trên canhdongtruyengiao.net ở mục Giáo Xứ An Long, đồng thời cũng đăng trên thegioiriengtu.com ở mục Tâm Sự Của Bạn

Rất cần hình Tòa nhà Chủng  Viện  khu  A trước 1975 để làm hình bìa. Nếu các bạn biết ai đó thì mượn, scan xong sẽ trả lại.

Các bạn có những hình ảnhkỷ niệm tuổi học trò khi còn ở Chủng Viện, hay hình Tiểu Chủng Viện Á-THÁNH-QUÍ trước năm 1975, vui lòng cho mình mượn, mình sẽ hoàn trả lại các bạn sau khi hoàn thành tập Kỷ Yếu.

Xin các bạn gởi bài về PHAN THANH THÁI để bạn ấy biên tập nội dung, sau đó bạn ấy sẽ chuyển về mình để sắp xếp lên khuôn in ấn.

Cám ơn các bạn.

Bạn cũ

NGUYỄN VĂN TIẾNG

________________

 

BÀI CỦA MỘT SỐ CÁC BẠN
 

001 - Tiền Ơn Gọi Hồi Ký

Phú Nghĩa – Trưởng lớp

Năm 1965-1966

Nằm trên võng đu đưa nghêu ngao vài câu hò : 
    
"Dí dầu cầu ván đóng đinh cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu mượn đàn kéo chơi "


    Nhìn cảnh con cái của anh Hai ị rất nhiều , ghê tởm , đứa thì khóc nhè , đứa thì đòi bánh . Tư tưởng mình lúc đó không thích sống hôn nhân . Một luồng tư tưởng Chúa gọi tôi , hiến dâng cuộc đời cho Chúa . Từ đó về sau lúc nào tôi cũng nói đến chuyện đi tu với cha mẹ . Cha mẹ bàn với gia đình và dòng họ bà con về vấn đề đi tu của mình . Trong gia đình tôi , bên nội , bên ngoại đều có người làm linh mục . Trong số linh mục bà con đó là Cha Vượng , gọi cha mẹ tôi bằng chú thím . Tôi gọi Cha Vượng bằng anh . 
    Sau khi lấy bằng tiểu học tại trường tiểu học Tân Hiệp , Kiên Giang . Thời đó tôi thi tiểu học có vấn đáp bằng tiếng Pháp . Rất may gia đình tôi có cho gia đình ông bà Hiến binh thuê phần trước nhà cũng là (Ta ru ) . Cho nên ông ta dạy tôi tiếng Pháp lúc rãnh rỗi.
    Đậu tiểu học xong , tôi thi vào lớp để thất trường công lập . Đã đậu và học lớp đệ thất chừng 4 -  5 tháng rồi nghĩ tết . Đang vui vẻ hưởng tết cùng bạn bè lối xóm , bên dòng họ Cha Vượng bảo tôi về Cà Mau nơi cha Vượng đang làm Cha sở để học tiếng La-tinh , học giúp lễ và học cách sống tập thể theo giờ giấc cho quen
    Ngày ra đi , rời căn nhà thân yêu lúc mới 11 tuổi , bà nội tôi lúc đó 82 tuổi khóc rất nhiều , cụ chỉ biết đọc kinh cầu nguyện cho cháu để đi đường bằng an và bền vững đi theo tiếng Chúa gọi .
    Xe khách từ Tân Hiệp ( Rạch Giá ) đi Cần Thơ lúc 6g sáng có mẹ tôi , người nhà Cha Vượng và Tôi . Đến Cần Thơ cả 3 người sang xe đi về Cà Mau . Xe chạy rất chậm , có nhiều lỗ gà . Cảnh vật hai bên đường rất thưa thớt người ở . Tâm tư tôi lúc này chỉ nghĩ đến xe chạy cho mau đến Cà Mau . Mẹ tôi hỏi tôi : " Con có nhớ nhà không " , Tôi trả lời " thưa không " . Đúng 5 giờ chiều xe tới nhà thờ Bảo Lộc ở Cà Mau.
    Ở Cà Mau được 2 ngày , mẹ tôi từ giã Cha Vượng và tôi . Mẹ cầm tay tôi dí vào bàn tay vài chục đồng để ăn quà , nước mắt mẹ tôi ngấn lệ chia tay đứa con trai út phải xa gia đình khi còn nhỏ tuổi . Tôi cảm thấy bình thường không cảm động . Tiễn chân mẹ tôi ra xe về Cần Thơ . Khi xe xa khuất tầm mắt tôi mới đi vào nhà xứ . 

Sinh hoạt tại nhà Xứ
    

    Tuổi còn bé , ở nhà ngủ đến 7 giờ mới thức , soạn bài rồi đi học.
    Ở đây 4 giờ sáng đã thức ra nhà thờ vào phòng Thánh học xếp áo lễ , học cách sửa áo lễ cho linh mục trước khi làm lễ . Rồi học cách giúp lễ bằng tiếng La Tinh . 
    Ở nhà xứ có anh Thông cũng đi tu ở chủng viện Á Thánh Quý được 2 năm vì bệnh nặng anh ta xin Bề trên về gia đình chữa bệnh . Anh ta giúp tôi học kinh La Tinh để giúp lễ , giúp tôi bày bàn khăn , muỗng , nĩa phục vụ Cha sở , Cha phó ăn cơm
    Ông bếp của Cha chừng 60 tuổi . Tôi ăn cơm chung với ông bếp . Ông bếp uống rượu rồi mới ăn cơm . Ông rất quý mến và thích tôi lắm . Ông hay để phần ăn ngon cho tôi
    Sau Thánh Lễ sáng , ăn sáng xong co công tác quét , lau nhà khách  , nhà vệ sinh , bậc thang lên lầu tầng trệt có phòng Cha sở , phòng khách và phòng ăn cơm . Trên lầu có 4 phòng : Một phòng Cha phó , phòng Thầy xứ và 2 phòng khách .
    Công việc hằng ngày vệ sinh nhà xong , làm cỏ chung quanh nhà xứ . Sau đó về phòng học kinh La Tinh , học kinh Việt Nam , học bài , làm Toán . Nơi anh Thông tôi học nhiều về lối sinh hoạt đời tu ở chủng viện
    Đến tháng 4/1966 . Tôi lên đường đi thi Chủng viện . Ở giáo xứ Bảo Lộc có 2 người cũng đi thi Chủng viện . Hai người này được các dì phước dạy dỗ , dạy học rất kỹ , rất giỏi . Ba người cùng đi thi . Hành trang của tôi chỉ có 2 cuốn tập 100 trang , 2 cây bút mực , ba bộ quần áo , kèm theo mấy chục ngàn Cha sở cho . Hai chàng dì phước chăm sóc rất kỹ khi đi thi . Riêng tôi chả có bảo ban gì hết . Đi thi thì cứ đi.
    Đến Chủng Viện có các anh lớp trên ở Chủng viện chào đón và xếp theo thứ tự A , B , C
    Bài hát đầu tiên dạy sinh hoạt trong tổ do anh Hiền làm trưởng tổ của tôi ( Anh Hiền sau này làm Linh Mục được 7 , 8 năm thì Chúa gọi về ) . Bài hát là đừng gọi mày tao nghe khó nghe , gọi nhau bằng anh nghe dễ thương . Đừng nói lời thô nghe điếc tai , tìm nói lời thanh đâu khó gì. 

Đề thi chủng viện :

    _Toán : làm bình thường như lớp nhất ( lớp năm ngày nay ) 
    _Văn  : Viết thơ về gia đình sinh hoạt ở chủng viện
    _Kinh V.N : viết Kinh Tin Kính
    _La Tinh : phát cho mỗi người một khổ A4 bài La tinh , học thuộc lòng trong 30 phút rồi thu tài liệu để làm bài

            Nom        Dominus
            Voc          Domine
            Gen         Domini
            Dat          Domino
            ABL         Domino
            ACC        Dominum

    Thi ở Chủng Viện được 2 , 3 ngày rồi chia tay
    Về Cà Mau chờ kết quả kỳ thi . Khoảng 1 tháng sau có kết quả . Cha sở báo tôi đã thi đậu vào Chủng Viện . Còn 2 bạn con dì phước thì rớt . Các dì phước nói con ông Cha không học hành gì mà đậu . Còn 2 đứa con dì phước học ngày đêm mà vẫn rớt

18/6/1966 : Vào Chủng Viện 

    Nhìn vào gương , mặt có nhiều thung lũng , tóc đã ngả màu muối nhiều hơn tiêu , lông mày điểm trắng điểm đen , râu thì bạc trắng . Thấm thoát đã 50 năm vào Chủng Viện . Hôm nay nhận được tin họp lớp kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường , biết bao cảm xúc tưởng đã ngủ quên dưới lớp bụi thời gian , chợt ùa về , xuất hiện những ký ức không bao giờ phai nhòa.
    Kỷ niệm ngày mãn lớp 12 , cả lớp như bày chim non tan mạc , tao tác khắp nơi , có bạn tiếp tục vào Đại Chủng Viện , bạn khác lầm lũi vào đời với bằng tú đôi để chuẩn bị vào đại học trường đời , còn bạn khác theo gia đình về nơi xứ lạ
    Nay mọi thứ đã tạm ổn , muốn góp nhặt lại những mẫu chuyện của thời thơ ấu . Những kỷ niệm cũ cứ như gói quà xiết chặt quá lâu nay tháo ra từ từ , từng ngăn nào đó trong tâm hồn . Những thói quen cũ , những chuyện buồn vui xảy ra ngày trước , nay được nhắc lại từng chi tiết , ngỡ như vừa mới xảy ra đâu đấy . Nói đúng ra chẳng ai quên hết , chỉ có cuộc sống khiến mọi ký ức tạm lắng lại mà thôi.

Đời sống ở Tu viện : 

   
Mã số quần áo của tôi là số 75 . Quần áo gồm 3 bộ bà ba trắng , 2 chiếc áo dài đen , 3 quần đùi .....
    Khi vào chủng viện lớp chúng tôi có 60 người . Cha Chung là cha chủ nhiệm hướng dẫn lớp chúng tôi lớp đệ bát . Tất cả tiền bạc đều gởi cho nhà dòng giữ . Nhà dòng có một phòng bán đầy đủ dụng cụ cá nhân : sách vở , bút viết , sà bông , kem đánh răng.... Ai cần mua gì thì có phiếu , cuối kỳ tam cá nguyệt sẽ thanh toán số tiền thừa hay thiếu
    Đi tu là tự nguyện , không bắt buộc ai . Đi theo tiếng Chúa gọi . Mở mang nước Chúa . Không vì lợi dụng nhà Chúa để có danh , có vọng sau này 
    
        " Như nai chập chững đi tu
            Không vì danh lợi vi vu chính mình
           Đi tu không có vô tình
             Đáp lời Chúa gọi hành trình cùng Cha
            Đi tu vị kỷ vị tha
              Mở mang nước Chúa mới là con yêu
            Đi tu không có dệt thêu
              Ăn trên ngồi trước tự kiêu chính mình
"

    Đúng vậy nhà dòng dạy rất nhiều về nhân bản , tư cách ăn nói , đi đứng phải nhẹ chân đừng có lê dép tiếng ồn làm khó ngủ người khác . Ăn cơm hai tay để cạnh bàn ăn , nhai cơm không thấy răng . Hôm nào anh nào ăn cơm tay chống cầm mà múc cơm sẽ gặp Cha Thinh dọng cùi trỏ xuống bàn chừng vài cái"
    Về văn hóa và hạnh kiểm . Học theo đúng chương trình sách giáo khoa của Nhà giáo dục . Anh nào học lực 3 tháng không tiến bộ ( kém hơn 10/20 ) hoặc hạnh kiểm 3 tháng zêrô sẽ bị ở lại lớp hoặc bị sa thải khỏi nhà dòng . Về hạnh kiểm tháng nào zerô sẽ bị ăn cơm muối , ngồi một mình một bàn.

         "  Đi tu không dễ đâu em 
                Học hành kém qua mon men về nhà
           Đi tu không được la cà
                Cha Giám mà biết có mà zêrô
            Ba lần hạnh kiểm cõi vô
                Mang quần mang áo ô tô về nhà " 

    Có học thì có hành , có học thì có chơi . Học để mà quên , quên để mà nhớ . Nếu nhớ nhiều quá mà không quên thì quên luôn chính mình , chưa mặc quần áo tưởng đã mặc rồi . (Hai rưỡi )
    Có văn thì cũng có võ . Nhà dòng đủ môn thể thao : volley ball , football , basketball , pingpong , võ thuật , âm nhạc và học nghề
    Tôi có nhớ năm lớp 11 thi tú tài 1 phải thi môn thể thao để lấy điểm dự phòng . Thi 5 môn : chạy 100m , chạy 1000m , leo dây , ném tạ , nhảy cao . Hôm đó ra Cần Thơ thi thể thao . Môn nào cả Sáng cũng được 10 điểm , riêng chỉ có môn nhảy cao 1m40 . Cả Sáng được 8 điểm . Hằng ngày tôi và cả Sáng đều nhảy qua 1m40 tốt đẹp nhưng hôm nay thi cả Sáng nhãy không qua . Cả Sáng tâm sự đêm qua nằm ngủ mơ mộng bậy bạ … nên sức khỏe yếu nhảy không qua . 
Nói đến cả Sáng có nhiều vấn đề phải nói . Anh ta tính tình lơ đãng , không gọn gàng . Khi cả Sáng mượn dụng cụ học sinh muốn đòi lại phải ngồi nghe hết băng casette thì mới tìm thấy . Anh ta không biết để đâu trong học bàn 5cm x 4 x 3 = 60cm . 


    Về môn võ thuật , tôi rất thích môn Thái cực đạo . Mới vào học mang đai màu áo ( Áo trắng , quần trắng ) . Thời gian học chừng 3 tháng vào các giờ chơi , vào buổi chiều . Đến ngày thi lên đai . Mình đi bài quyền , song đấu tự do và những chiến thuật cận chiến . Mình đạt được thành thích xuất sắc , lên luôn 1 lúc 3 cấp ( 7 , 6 , 5 ) cấp 5 đeo đai nâu . Còn các bạn khác được lên cấp 6 đeo đai xanh.
    Đời học võ mình nhớ 2 lần song đấu tự đo :   
       
        _Đấu với Hùng râu ( lớp 67 ) mình nhịn đòn để Hùng lấy điểm . Đến khi mình nói với Hùng , mình phải phản công đá vào trán Hùng lo mà đỡ . Mình đá đòn giả vào bộ hạ Hùng , Hùng lấy tay đỡ thì mình đưa chân lên đá vào trán Hùng sưng 1 cục bằng quả trứng gà 

        _Đấu với Bớt ( lớp 67 ) . Mình bảo Bớt đừng đỡ cú đá tạt của mình nhưng Bớt không nghe , Bớt liền đưa tay đỡ cú đá tạt . Rốt cuộc Bớt bị nứt xương ở cổ tay 

    Thời thơ ấu xử sự không giống ai , rất nhỏ nhặt và ích kỷ . Thầy Việt dạy Pháp văn , mình được 10 điểm . Vương cầm bài làm của mình thấy sai một điểm mà Thầy không thấy . Vương bèn mang bài của mình đem lên Thầy , mình bị trừ 1 điểm . Vương vừa mang bài của mình về bàn học , mình đánh cho Vương 1 bạt tay . Vương nhỏ con không dám làm gì mình . Bạn bè hăm mày sẽ bị Anh Long ( Anh của Vương ) sẽ trả thù mày . Lúc đó ngày đêm mình luyện thêm Vovinam để phòng người . Nhưng không có chuyện gì xảy ra.

       "  Luyện tâm luyện võ sớm hôm
                Để rồi thi đấu được ôm những gì
            Phải chăng tay gối sưng bì
                 Học hành không được kỳ thi hỏng bài
            Bao năm kinh sử miệt mài
                 Cuối kỳ thi lại một vài môn thi
             Về nhà dòng họ khinh khi
                  Hao tiền tốn vải bị chê ngu đần "   
          
Hè năm lớp 10 :

    Hè lớp 10 Chủng viện tổ chức các chủng sinh đi giúp xứ 1 tháng , chia theo tổ 10 người , có lớp trên và có Cha hướng dẫn . Mình thuộc nhóm Cha Thục và Thầy Duyên về họ đạo Châu Hưng , Quận Phú Lộc , tỉnh Sóc Trăng . Họ đạo có rất nhiều dân tộc K'mer theo đạo công giáo . Công việc ở họ đạo làm công tác từ thiện hớt tóc miễn phí , thăm hỏi gia cảnh giáo dân , dạy văn hóa , dạy giáo lý , rước lễ lần đầu ......
    Giờ rảnh học thêm tiếng K'mer . Trong nhóm có anh Hữu ( chị Tư ) rất siêng năng học tiếng miên . Anh ta ghi vào sổ rất nhiều câu đối thoại , những câu giao tiếp đều có phụ đề tiếng Việt . Hôm đó Anh Long lớp 10A ( Anh ruột Vương ) thấy câu nói không ghi phụ đề tiếng việt Anh ta liền hỏi cô bé 16 tuổi tên là Slệnh.
        Long hỏi : òn ơi si lon bon tê ?
        Slệnh : Đỏ mặt không trả lời
        Long hỏi tiệp : òn ơi sì lon bon tê ? 
        Long nói thêm : tôi hỏi thiệt mà 
        Slệnh : càng đỏ mặt , rất mắc cỡ , cô ta lúng túng , vuốt mặt ấp úng
        Long hỏi nữa : tôi hỏi thiệt mà
        Slệnh nói : câu này kỳ lắm Thầy ơi . Một hồi lâu cô ta nói rất hổ thẹn . òn ơi si lon bon tê : có nghĩa là em ơi có yêu anh không 

    Lúc này Thầy Long đỏ mặt xin lỗi cô ta rồi về giường đắp mền ngủ tới tối.
    Chuyện vui có rồi cũng có chuyện buồn . Năm đó lớp chúng tôi phải chia tay vĩnh viễn một người bạn hiền lành , dễ thương là Việt Hùng ( em ruột của Anh Tâm lớp trên ) . Theo lời kể , chuyến đò định mệnh qua sông cái lớn ở Nhơn Mỹ , Trà Ếch , đò chìm bị cuốn theo dòng nước chảy xiết , cũng đã cuốn theo Việt Hùng trong dòng nước xoáy . Ba ngày sau mới vớt được xác Hùng.

    Ở chủng viện mình có học thêm một nghề hớt tóc cho bạn bè . Không hớt giỏi nhưng cũng hớt tạm được . Mình nhớ mãi cái đầu hói của Phước Thảo . Ngày mai là ngày Thảo đi làm thẻ căn cước . Thảo nói mình hớt tóc cho lòi 2 lỗ tai và tóc trên đỉnh đầu cho ngắn lại . Mình tỉa tóc trên đỉnh đầu thưa thớt rồi mà Thảo cứ bảo tỉa nữa , còn dầy lắm . Khi tỉa xong thì đầu của Thảo xói ơi là xói . Nên khi chụp hình thẻ căn cước cứ như đầu các Cha dòng antôn .

          

 " Mặt anh mái tóc rất xinh
Thân hình vạm vỡ lung linh mắt huyền 
Tóc anh uốn khúc đuôi thuyền
Chân mày dựng đứng cầm quyền đua tranh
Tóc đen trên đỉnh đầu anh
Cớ sao tỉa mãi mong manh đỉnh đầu " 

Ngoài việc hớt tóc , mình còn có thêm nghề cạo gió . Hai giờ khuya mình đang say sưa giấc ngũ , có tiếng kêu thì thào rất yếu ớt , bàn tay lạnh ngắt đụng đến mình . Mình giật mình mở mắt ra gặp Liêm Chùa ( quê Năng Gù ) . Nó nói : Mày cạo gió dù tao , tao lạnh quá , đi vệ sinh 5 , 6 lần rồi mệt quá . Mình thức dậy lấy dầu gió và tấm thẻ bài , cạo gió cho bạn . Mình hỏi bạn làm sao mà đi cầu nhiều thế , ăn trộm đu đủ sống của Cha Thịnh phải không ? 

Nó nói : Không phải ăn trộm mà là tham ăn tham uống , mình lấy sữa bột khuyến mãi của Mỹ cho học đường đem pha với nước mưa , uống chừng 5 , 6 ly cho đã thèm . Ai dè tào tháo đuỗi quá chừng .

" Hôm nay sữa đã về rồi
Tha hồ mà uống bồi bồi tấm thân
Uống sao có sức lên cân
Uống mà đi tướt lân lân trên giường 
Sữa pha nước lạnh coi thường
Uống vào đau bụng khó lường tâm can . "

    Năm lớp 11 tổng cộng 11A và 11B khoảng chừng 40 chủng sinh . Năm đó là năm đầu tiên chủng viện dạy chủng sinh thi tú tài 1 , vì mọi năm các anh lớp trên đều đi qua chủng viện Teresa ở Long Xuyên học thi tú tài 1 . Cho nên năm nay chủng viện luyện thi tú tài 1 Đức Cha Quang thách thức 2 lớp nếu mà đậu 100% sẽ thưởng cho một con bò ăn mừng . Đúng như dự đoán các chủng sinh đậu 100% .

Nói đến học ôn thi ở chủng viện . Câu nói mình hay để trên bàn học :

" Có tú tài là tất cả
Rớt tú tài là mất tất cả "

    Học ôn thi ở chủng viện đến nỗi tóc dựng đứng rồi vào vòi nước nhúng đầu vào cho tóc mềm lại . Đêm ôn thi , lúc mưa rơi lắc rắc , không lớn lắm thì có rất nhiều ma bay giống như đốm lửa đỏ bay qua bay lại ở sân bóng đá sau khu A . Trước khi làm sân bóng đá , chủng viện có kêu gọi những thân nhân của những mồ mả còn vướng trong sân đến bốc cốt . Có những bạn tinh nghịch như Hiếu Bà già , Hiếu đem lấy những mẩu xuơng tay cũa hài cốt đem để học bàn dọa anh em cho vui . 

    Năm lớp 12 , trước khi chia tay rời tiểu chủng viện để lên đại chủng viện kỳ nghĩ hè năm đó mình cùng 1 số anh em như : Phạm Sơn , Trần Sơn , Năng Toàn ( Tám Tàng ) , Tròn , Nhạc , Hữu Nghĩa , Phước Hữu , giúp vui văn nghệ tại 3 Gíao Xứ : Cồn Phước , Cù Lao Giêng và Rạch Sâu . Tiết mục văn nghệ gồm có : nhạc trẻ , kịch nói , võ thuật ,..... Chương trình biểu diễn văn nghệ rất tốt đẹp được giáo dân 3 Gíao Xứ ủng hộ rất nhiều . Vì ảnh hưởng cuốn tiểu thuyết " Tóc Mây " của tác giả Lệ Hằng . Nhạc đã yêu thầm một cô ca viên tại Cù Lao Giêng . Sau chuyến lưu diễn đó , anh em về chủng viện ôn thi lấy bằng tú tài 2 . Sau kỳ thi , kết quả đậu rồi , Nhạc xin bề trên đi Sorti để tìm hiểu ơn gọi : còn tu hay về thế gian.

Thay lời kết :   

   Cuộc sống muôn màu muôn vẻ , có những lúc ngồi bên nhau kể những câu chuyện vui , những lời chúc mừng những anh em thành đạt , có những lúc thông cảm , chia sẽ những anh em có cảnh ngộ không may . Đêm đã khuya rồi nói mãi không hết chuyện trong quá khứ . Bàn bè vội vàng gữi địa chỉ Facebook . Rồi chợt nghĩ ra tình bạn thưở học trò là 1 thứ tình cảm trong sáng , không đua chen , không tính toán , không vu lợi . Sau cùng khi chia tay ai cũng muốn giữ trong lòng những kỷ niệm khó quên trong tuổi học trò .

_______________

 

002 - CỌP NHỚ RỪNG

Không Không (?)

            Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào Chủng viện - còn gọi là trường La-tinh. Các chủng sinh trong Chủng viện khi đó đều học tiếng La-tinh vì trong các giờ phụng vụ đều có đọc, hát kinh La-tinh và nhất là sau này làm Linh mục, các Linh mục phải cử hành Thánh lễ bằng tiếng La-tinh. Vì thế có người gọi các chú chủng sinh là các chú La-tinh là vậy.

            Đã 50 năm qua, 1966-2016, ngày ấy chúng ta tuổi chỉ mới 11, 12 mà đã chấp nhận xa gia đình, xa ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè cùng mọi thứ thân quen ở quê nhà để gọi là “đi tu” vào Chủng viện, một nơi hoàn toàn xa lạ để học tập và tu luyện.

            Thời gian đầu, không phải dễ dàng thích nghi với nếp sống mới trong bốn bức tường Chủng viện. Tất cả, từ các Cha: Cha Giám đốc, Cha Linh hướng, Cha Giám học, Cha Giám thị cùng các Cha giáo khác đến các anh ở những lớp lớn, chúng ta gần như tỏ ra rụt rè, nhút nhát, sợ sệt. Rồi đến những sinh hoạt hàng ngày: ăn mặc, ngủ nghỉ, tắm giặt, kinh sách, học hành… cả đến giờ chơi chúng ta buộc phải tuân giữ Nội quy Chủng viện, giờ nào việc ấy, việc nào chỗ ấy. Buồn nhất là những ngày mưa, nó buồn làm sao! Và nhất là những đêm trời mưa rỉ rả, không ít anh em khóc vì nhớ nhà và đôi khi cũng muốn rút lui.

            Và rồi với thời gian, chúng ta dần thích nghi hơn với đời sống chung trong Chủng viện. Chúng ta tỏ ra vui vẻ hơn, dạn dĩ năng động hơn và cũng nghịch ngượm, phá phách vi phạm tu luật hơn. Phải chăng đó là những tính nết “đáng yêu” của tuổi nhỏ. Làm sao quên được những hình ảnh của nhau trong các giờ chơi ở sân đá banh, sân bóng chuyền, sân banh bố trước cửa nhà Cha Giám đốc, những lúc tranh giành cãi vã nhau. Làm sao quên được những câu nói tiếng cười, những thái độ, gương mặt “đáng ghét” của nhau thời ấy.

            Tất cả những kỉ niệm vui buồn của những ngày ấy chỉ còn lại trong ký ức của chúng ta. Nay, anh em mỗi người mỗi nơi, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống, vui có, buồn có, pha lẫn những ưu tư phiền muộn, chán nãn, có cả “mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi” nhưng hạnh  phúc vẫn không thiếu trong cuộc sống chúng ta. Như anh Hồ Kim Hải có lần chia sẻ với anh emtrong Thánh lễ họp lớp: hạnh phúc nó ở ngay trong chúng ta, trong tầm tay chúng ta nếu chúng ta sáng suốt nhận thức và bằng lòng với những gì mình đang có, đang được. Bỡi chúng ta sẽ đau khổ, sẽ ân hận và nuối tiếc một khi đã mất nó. Vậy xin chúng ta hãy vun đắp và tận hưởng nó đi, nó chính là người bạn đời của chúng ta, nó chính là con cái chúng ta, là cháu của chúng ta, là công việc, là gia đình, là nơi ở, là láng giềng của chúng ta, nó cũng chính là những người bạn đồng nghiệp… và nhất là khoảng thời gian thánh thiên riêng tư hàng ngày trong đời sống tâm linh của mỗi người chúng ta.

            Hồi tưởng lại những năm tháng sống trong Chủng viện với anh em,tuy có những anh em mà chúng tađang mất liên lạc và cũng có những anh em đã về nhà Chúa, lòng tôi đầy cảm xúc như “cọp nhớ rừng”. Mong rằng, tình anh em thắm thiết gắn chặt và sống mãi trong mỗi anh em chúng ta – Lớp Vincent Liêm.

Không Không
(0165.609.1010)

___________________

 

003 - ĐIỂM DANH… HỌP LỚP

Trần Sơn

Trong lần họp lớp Vincent Liêm tháng 10/2015 tại Nhà thờ An Long, một số bạn khẳng định đây là cuộc họp mặt có nhiều anh em tham dự nhất so với các lần trước đây và nói vui rằng có lẽ khó có cuộc họp mặt nào của lớp trong tương lai có đông bạn bè tham dự như vậy.

  Tôi cầm bức hình chụp anh em dự họp lớp tháng10/2015, nhìn và đếm từng người, nhẫm tên từng bạn, từng bạn một…đúng là chỉ có 21 người! Chẳng lẽkhông thể nhiều hơn sao?

Nhớ ngày xưa, năm 1966, khi bước vào Tiểu chủng viện, lớp Đệ Bát (Lớp 6 bây giờ) chúng mình có 60 bạn. Để cụ thể hơn, tôi mở bản danh sách lớp do Cha Tiếng và một số anh em sưu tầm….Không kể các anh em có mặt, tôi chia số vắng mặt thành 04 nhóm. Trước tiên, nhóm 1 là những anh em đã về với Chúa, cả thảy 08 người! Nhóm 2 gồm 18 anh em đang sống ở nước ngoài. 07 người nhóm 3 là những anh em hiện chưa liên lạc được. Số còn lại của nhóm 4 là các bạn thường hay vắng mặt vì lý do bận công việc, chuyện gia đình, sức khỏe…!

Ở nhóm 2, rõ ràng khả năng họp mặt đầy đủ là không thể; có chăng bạn nào về Việt Nam đúng dịp họp lớp thì mới có cơ hội gặp nhau. Nhóm 3 thì anh em đang “truy tìm” ráo riết, nghe nói cũng lần ra manh mối một, hai người. Còn lại các bạn nhóm 4 thì có lẽ cần ra sức vận động, sắp xếp thời gian họp lớp sao cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mấy ông này không còn lý do từ chối!

Bạn bè  chuyện trò đợt họp lớp T10/2015

Để họp lớp duy trì đều đặn và được nhiều người hưởng ứng, thiết nghĩ các bạn trong Ban tổ chức cần thiết lập chương trình họp mặt sao cho không bị nhàm chán; cần tạo bầu không khí hòa đồng, chân tình, vui vẻ,mọi người thoải máichia sẻvới nhau những câu chuyện về gia đình, cuộc sống, công việc … Nếu có điều kiện, các bạn có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể, chứ không rập khuôn mỗi lần gặp nhau chỉ tiệc tùng, kể chuyện đời xưa, hàn huyên tâm sự rồi …giải tán. Một vài kỳ họp lớp gần đây có vẻ đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí này. Hy vọng với những nỗ lực và thiện chí của từng người, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban tổ chức, đợt họp lớp kỳ tới (nghe nói dự kiến T6/2016) hứa hẹn sẽ đông vui và ấm áp tình bạn. Mong lắm đấy!

Trần Thanh Sơn 

Còn tiếp

Đang có 196 khách và không thành viên đang online

15301483
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
3912
14086
55915
15144151
273116
430571
15301483

Your IP: 3.15.228.32
Server Time: 2024-11-22 05:11:41