You are here:

Ông ngoại tôi: kỷ niệm và dấu ấn

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 


Ông ngoại tôi: kỷ niệm và dấu ấn

Nguyễn Công Trứ có viết “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. “Danh gì”theo cách nói của người bình dân đó là không chỉ có “tiếng” là đủ, nhưng còn phải có “miếng”. Nghĩa là làm sao có thể để lại dấu ấn đẹp trong cuộc đời.

 

 

 

 

 

Ông ngoại tôi: kỷ niệm và dấu ấn

Nguyễn Công Trứ có viết “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. “Danh gì”theo cách nói của người bình dân đó là không chỉ có “tiếng” là đủ, nhưng còn phải có “miếng”. Nghĩa là làm sao có thể để lại dấu ấn đẹp trong cuộc đời. Vì nếu lỡ một mai có ra khỏi đời này thì không cần phải hối tiếc để rồi thốt lên như Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Thật vậy, con người được sinh ra không phải để tan ra như hạt cát vô danh, con người được sinh ra để ghi lại dấu ấn trong trái tim tha nhân và Thiên Chúa. Khi suy nghĩ về điều đó, tôi nhớ đến ông ngoại mình, một người ông đơn sơ bình dị, không có danh tiếng gì lớn lao trong cuộc đời, nhưng những lời dạy và cuộc sống của ông để lại một dấu ấn khó phai mờ trong lòng tôi, đặc biệt hơn nữa là những ngày tháng cuối đời ông đã ghi được dấu ấn trong lòng Thiên Chúa.

Như đã nói, ông ngoại tôi là một người ông bình dị đơn sơ, không danh tiếng, không bằng cấp, cuộc đời ông chỉ có một cái bằng duy nhất đó là “bằng lòng”. Ông bằng lòng đối với những gì mình có, nên ông thường nói “Biết đủ thì đủ, đợi đủ biết đến bao giờ đủ”, nhưng không vì thế mà ông để cho cái đủ đó đè nát cuộc đời, đè nát ước mơ của mình như Chế Lan Viên đã từng ví von:“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Và ước mơ của ông đó là sau khi ra người thiên cổ, thì còn có cái gì đó để lại cho con cháu, như là một dấu ấn để con cháu nhớ đến mình.

Đối với tôi dấu ấn đầu tiên mà ông để lại đó là những kỷ niệm: Kỷ niệm ông dẫn tôi đi thi đại học, kỷ niệm tôi chở ông đi chợ hoa vào những ngày giáp tết, kỷ niệm những lần dẫn ông đi bệnh viện, kỷ niệm ông đi họp phụ huynh cho tôi ở Đại Chủng Viện mỗi khi có dịp, mặc dù lúc đó ông chưa có đức tin Kitô giáo... Đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là ngày ông được bước theo Chúa để vào làm vườn nho của Ngài đúng giờ thứ mười một.

Dấu ấn thứ hai đó là những bài học thực tế ở trường đời, được ông diễn tả cách này hay cách khác, không chỉ qua những tích truyện, hay những câu ca dao tục ngữ mang đậm chất nam bộ.Mà còn được ông trình diễn qua cách sống của mình. Nếu nói theo cha Anthony de Mello:“Khoảng cách ngắn nhất giữa con người và chân lý là một câu chuyện”. Thì ở đây tôi có thể nói lại: “Khoảng cách ngắn nhất dẫn con người đến chân lý là một chứng từ”, và đời ông là một chứng từ.

Dấu ấn thứ ba là lời khuyên phải trao dồi tri thức với cách thức:“Kiến tha lâu cũng đầy tổ” được ông kinh nghiệm qua đời sống của mình. Đối với việc học ông quan niệm:“Khôn nghề cờ bạc là khôn dại, dạichốn văn chương ấy dại khôn”(TX), nhớ ngày mùng 1 tết 2018, là cái tết cuối cùng của ông với con cháu, khi gia đình tôi chúc tết xong, ông vừa nói vừa khóc:“Ông không mong muốn tiền bạc của con cháu gì đâu, ông chỉ mong muốn thấy con cháu học thành tài là ông vui rồi”.Riêng tôi ông thường động viên: “con cố gắng học, hãy nhớ: “ kiến tha lâu cũng đầy tổ thôi””, đây không chỉ là lời khuyến khích mà còn là lời dạy tôi sống, sống từng bước một. Có thể nói ông đã dạy cho tôi thêm một linh đạo mới bên cạnh linh đạo nên thánh trong mục vụ, đó là linh đạo từng bước một.

Dấu ấn thứ tư, một dấu ấn đặc biệt nằm ngoài ước mơ của ông, đó là việc ông đã để lại một dấu ấn trong lòng Thiên Chúa. Vì khi đến giờ thứ mười một ông mới dám ước mơ điều đó, để rồi ước mơ đó đã được Chúa thực hiện ngay, ông đã được rửa tội và lãnh nhận các Bí tích sau cùng trước khi về với Chúa. Qua biến cố đó tôi mới suy gẫm lại và thấm thía câu nói của thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng cứu độ con Chúa cần con đáp lời”, và ông ngoại tôi là người đã đáp lời Thiên Chúa đúng lúc để làm cho ý nghĩa cuộc đời mình được nên trọn vẹn.

Để kết thúc tôi xin mượn mấy câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, để nhìn lại cuộc đời ông ngoại và tự hỏi nếu ông sống không có ước mơ, hay ông cứ để cho ước mơ của sự an phận, ước mơ của sự cầu an chiếm lấy cuộc đời mình, thì cuộc đời ông chắc cũng giống như Nguyễn Công Trứ miêu tả: “Ví phỏng cuộc đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”.Thật đối với tôi ông ngoại không chỉ là một anh hùng mà còn là anh hùng của những anh hùng nữa, vì ông đã không để cho cuộc đời mình bằng phẳng để đạt được dấu ấn mau qua, mà ông còn để cho cuộc đời mình không bằng phẳng để đạt được dấu ấn không bao giờ hư nát, một dấu ấn vĩnh cửu trong lòng Thiên Chúa, với một linh đạo đơn giản, linh đạo “kiến tha lâu cũng đầy tổ” của ông.

Một số hình ảnh kỷ niệm về Ông Ngoại

ANH MƯỜI

 

 

Đang có 254 khách và không thành viên đang online

15294229
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
10744
9400
48661
15144151
265862
430571
15294229

Your IP: 3.147.13.220
Server Time: 2024-11-21 19:38:13