MỘT LẦN RỜI XA QUÊ
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ sáu, 13 Tháng 2 2015 10:33
- Lượt xem: 2852
MỘT LẦN RỜI XA QUÊ
Phượng Vĩ
Chắc có lẽ trong mỗi người chúng ta ai rồi cũng sẽ có một lần rời xa quê, xa gia đình, những người thân yêu để đi và thực hiện ước mơ mà khi còn ngồi ghế nhà trường ấp ủ. Có thể nói thành phố là điểm đến và mong ước của khá nhiều người đến để lập nghiệp trong đó có cả tôi.
Nhưng khoảng 6 tháng qua sống ở thành phố làm tôi hiểu ra rằng “dù thành phố có xa hoa, phồn thịnh và đầy đủ tiện nghi… như thế nào cũng không bao giờ thay thế được cái hương vị miền quê, cái tình người ở làng quê tôi đang sống”.
Là con gái quê (Miền Tây) vừa tốt nghiệp 12 xong và chập chững bước vào cổng trường đại học như ước mơ, các bạn tôi thường hay bảo là tôi đã thành công vì chọn được trường và học đúng ngành mình thích. Nhưng đối với tôi thì tôi chưa thành công, chưa làm được gì cả. Những thứ đó chỉ là bước mở đầu, mở ra cuộc sống cho tôi.
Nếu ai đó hỏi tôi được và mất gì khi bước vào cuộc sống xa quê, xa gia đình thì có lẽ tôi sẽ trả lời cái tôi được là sự tự tin, tính tự lập, cách tổ chức và quản lý chi tiêu hàng ngày. Bên cạnh những cái tôi có được là những thứ mà tôi mất, mất rất nhiều. Mất đi những bữa ăn cả nhà ngồi quây quần sum họp bên mâm cơm, những lúc ăn uống cười nói vui vẻ. Nếu nói ra điều tôi sợ nhất chắc không ai ngờ, cuộc sống xa gia đình tôi sợ nhất những bữa cơm chiều và những lúc ở phòng trọ có một mình cảm giác cô đơn, lạnh lẽo biết mấy.
Chắc tôi không bao giờ quên cái kỉ niệm mà khi đi học quốc phòng buổi chiều về, người tôi mệt nhừ và đã nằm ngủ hồi nào không hay, nhưng tôi vẫn ý thức rằng trong lúc mơ màng tôi lại thốt lên “Mẹ ơi con đói” và khi ngồi bật dậy, mở mắt ra nhìn xung quanh chỉ có bốn bức tường. Tôi nhận ra càng ngày nỗi nhớ nhà của tôi ngày càng tột cùng, mà khi những người đi xa gia đình và quê hương mình mới hiểu được. Nhiều lúc tôi thèm và khao khát lắm tô canh chua với chão cá kho mang hương vị miền quê, cái hương vị mẹ tôi gửi vào trong từng món ăn mẹ nấu.
Sài Gòn những ngày nắng thì không sao nhưng còn những ngày mưa thì lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn vì “cảnh vật buồn người có vui bao giờ”. Bao nhiêu kỉ niệm ùa về nhớ lắm những lúc trời mưa cả nhà tụ lại một chỗ, đắp chung chăn và giờ nơi xứ lạ quê người chỉ còn có tôi một mình nhìn từng hạt mưa rơi, những lúc như thế tôi chỉ muốn cầm ngay chiếc điện thoại gọi về mong được nói chuyện với ba mẹ, nhưng trong tâm thức tôi nghĩ “Trời đã tối chắc giờ ba mẹ đã ngủ rồi, sáng ba mẹ còn đi làm sớm nữa mà” thì tôi không dám phá giấc ngủ ba mẹ và đã không gọi nữa.
Có thể nói tôi là người hạnh phúc hơn bao người khác từ lúc đi học tới giờ thì không ngày nào là ba mẹ không điện cho tôi. Dù biết chỉ có những câu hỏi, những lời dặn dò - “con đi học tốt không, ăn cơm chưa? Chiều nay con ăn cái gì? Ngày mai có đi học không? Ở dưới lo học không đi chơi nghe không? Chỉ vậy cứ lặp đi lặp lại suốt 6 tháng trời. Nhưng chỉ những câu hỏi thăm, quan tâm nhỏ nhoi vậy cũng đã khiến tôi cảm thấy ấm lòng.
Tôi hiểu được trong con mắt của ba mẹ tôi thì tôi không bao giờ lớn, lúc nào cũng chỉ là đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới, và cũng chưa bao giờ đi xa nhà đến thế. Bởi vậy nên việc tôi đi làm cũng giấu ba mẹ, tôi âm thầm đi tìm việc mà không cho ba mẹ biết. Tôi biết mình làm vậy không nên nhưng liệu tôi nói ra ba mẹ chấp nhận sao? Một đứa con gái lúc nào cũng sống trong sự bao bọc che chở của ba mẹ, tôi biết ba mẹ sẽ không cho. Chắc có thể nhiều người sẽ thắc mắc tôi được ba mẹ, những người yêu thương quan tâm giúp đỡ lo cho học thì học đi còn bài đặt đi làm chi cho cực bản thân?
Mà không phải đó là thắc mắc của nhiều người, đôi lúc tôi cũng từng nghĩ vậy. Có lúc đi làm về mệt lắm vừa học sáng chiều tối lại đi làm khiến tôi không còn sức nữa, nhiều lúc tôi chán nản lắm. Nhưng khi suy nghĩ kĩ đi làm để có thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ chuyện mua sách vở, mua đồng phục trang trãi việc ăn uống với lại đi làm là môi trường học thứ hai của tôi mà nơi đó chỉ thực hành, việc đi làm theo ca giúp ích thêm rất nhiều cho tôi và tôi đã dẹp bỏ ngay cái ý nghĩ tiêu cực đó, không vì một chút khó khăn mà bỏ. Lúc nào tôi cũng luôn nhắc nhở mình đi làm chỉ là phụ thôi còn việc học mới là chính nên dù đi làm nhưng kết thúc học kỳ I vừa qua tôi vẫn hoàn thành đầy đủ tín chỉ các môn. Tôi luôn đặt ra cho mình hết mục tiêu này đến mục tiêu khác nhằm phấn đấu nhiều hơn. Tôi không giỏi như mọi người nói, tôi đã từng vấp ngã rất nhiều lần, thành công chưa có như đã có lần tôi thất bại nhưng rất may những vấp ngã và thất bại của tôi đều là những hoạt động đoàn hội chứ không phải việc học nhưng qua những thất bại loại đó tôi luôn rút ra được bài học cho riêng mình và tôi vạch ra mục tiêu cũng như câu châm ngôn cho mình phấn đấu “là sinh viên thì tôi có quyền thất bại một hai lần nhưng sau này ra đời không được thất bại”. Bởi tôi biết thời sinh viên thất bại trong hoạt động này, hoạt động khác có thể làm lại từ đầu nhưng nếu ra đời thất bại thì bài học đường đời cay đắng lắm, có những thứ chỉ làm sai một tí thôi mà ân hận cả một đời.
Tôi hiểu mỗi chúng ta, sau khi học xong ai cũng muốn đi làm kiếm tiền, đó là mục tiêu sau khi học, tôi cũng chẳng khác gì đâu. Sau 2 năm nữa khi ra trường tôi cũng sẽ đi làm, nhưng tôi sẽ đi làm trên chính mãnh đất này, nơi tôi sinh ra, cái miền quê mang tên tình người. Nơi đó tôi có những người thân yêu. Vì tôi biết cuộc sống tiền bạc cần nhưng tình yêu thương nhau trong gia đình, làng xóm càng cần hơn.
Kiếm được đồng tiền, sử dụng nó hợp lý chứ không phải lệ thuộc vào nó và để nó chi phối làm chủ chúng ta. Vì có những thứ mà có tiền cũng không mua được, tình cảm thiêng liêng của những người thân yêu trong gia đình, không đổi được những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau, không mang lại niềm vui sự bình an thật sự trong tâm hồn và có khi ta vì những đồng tiền đó mà đánh mất tất cả để đến cuối đời ân hận thì đã quá muộn màng.