You are here:

CÀ PHÊ ĐÊM MƯA (2)

Bạn đánh giá:  / 6
DỡHay 

CÀ PHÊ ĐÊM MƯA (2)

[ Khi đọc xong câu chuyện, tôi vẫn còn ở trong miền ký ức… Nhớ ơi là nhớ tuổi thơ, nhớ mái ấm gia đình, và vì câu chuyện liên quan đến Mẹ, nên một loạt những kỷ niệm tuổi thơ với mẹ trở về, mới tinh và rõ ràng như chưa hề mờ phai với thời gian…

Một trong những kỷ niệm đó là câu chuyện tuổi thơ với mẹ tôi vào một buổi chiều mưa… ]

CÀ PHÊ ĐÊM MƯA (2)

[ Khi đọc xong câu chuyện, tôi vẫn còn ở trong miền ký ức… Nhớ ơi là nhớ tuổi thơ, nhớ mái ấm gia đình, và vì câu chuyện liên quan đến Mẹ, nên một loạt những kỷ niệm tuổi thơ với mẹ trở về, mới tinh và rõ ràng như chưa hề mờ phai với thời gian…

Một trong những kỷ niệm đó là câu chuyện tuổi thơ với mẹ tôi vào một buổi chiều mưa… ]

Ngày ấy, tôi khoảng 7, 8 tuổi. Tuổi thơ ở miền quê thời ấy chưa có những trò chơi như bây giờ, như game, đồ chơi điện tử, những cánh diều làm sẵn… Những trò chơi tuổi thơ miền quê ngày ấy là những trò chơi tự tạo ra, và những thú vui tuổi thơ miền quê bao giờ cũng gắn liền với thiên nhiên, một trong những thú vui ấy là chơi đùa dưới mưa.

Một trong những trò chơi dưới mưa rất hấp dẫn, đó là đá banh. Chỉ cần có một cái sân rộng, mà ở miền quê lúc ấy đa số nhà nào cũng có cái sân rất rộng. Hai ba cái nhà gần nhau cũng có nghĩa là có hai ba cái sân nối liền nhau, tạo thành một “sân banh” khá lớn, thế là có cuộc tranh tài đá banh dưới mưa. Ngoài ra, tìm một khoảng trống ở nơi nào đó để làm “sân đá banh” cũng không khó gì, đất hoang thời điểm ấy còn nhiều lắm. Trái banh ngày ấy chỉ là trái banh bằng nhựa, trái banh da đắt tiền lắm bọn trẻ miền quê khó mà mua nổi. Trái banh nhựa đá chỉ chừng vài chục phút là “xẹp” rồi, nhất là khi hai cái chân của hai “cầu thủ” cùng đá dập vào trái banh, trái banh kẹt ở giữa, không văng ra ngài được, trái banh bể xẹp lép. Dành nhau trái banh đã xẹp lép càng vui, có khi trái banh đã bay vào gôn của đối phương rồi, mà thủ môn không thấy được, nó xẹp lép mỏng dính bay vèo qua gôn như… chiếc lá làm sao mà chụp!

Mẹ tôi cấm ngặt không được tắm trong mấy đám mưa đầu mùa. Mẹ nói mấy đám mưa đầu mùa “độc” lắm, đất còn đang khô nứt, mưa xuống, hơi đất lên hừng hực, dễ gây bệnh lắm. Mẹ chỉ cho tắm sau nhiều đám mưa lớn, Khi mà trời đã qua tháng mưa dầm, kiểu “tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt” mẹ mới cho tắm “tự do”, nhưng tất nhiên cũng tắm với thời gian “có hạn” chứ không phải muốn tắm bao lâu thì tắm.

(Ảnh: Mẹ của tác giả viết bài này, lúc khoảng 36 tuổi)

Chuyện xảy ra là hôm ấy vào một buổi chiều bất chợt có một cơn mưa lớn dữ dội, là một trong vài đám mưa đầu mùa liên tiếp. Tất nhiên, những đám mưa ấy vẫn còn được kể như “những cơn mưa đầu mùa”, nên mẹ không bao giờ cho tắm. Nhưng, hôm ấy mẹ đi chợ chưa về. Mưa lớn quá nên ba vào đồng bắt chuột, thời điểm này ở quê tôi còn làm lúa mùa, đất cày sẵn chờ mưa, mưa nước ngập đồng, ngập hang chuột, nên chuột chạy trồi lên mặt ruộng, người ta rượt đập chuột hoặc bắt bằng tay, nhiều vô kể. Tôi ở nhà một mình (năm tôi 12 tuổi vào Tiểu Chủng Viện mẹ tôi mới cho chào đời đứa em trai kế tôi). Nhà tôi và nhà Dì Út tôi hai nhà liền ranh nhau, tạo nên cái sân rất lớn. Hôm ấy lại là ngày Thứ Năm được nghỉ học, mấy thằng bạn ôm banh lại rủ đá banh. Mưa lớn thế này chắc chắc mẹ đang “đụt mưa” ở đâu đó, không thể nào về rồi. Ba đi bắt chuột có về giữa chừng cũng không sao, ba dễ ợt. Tôi cởi phăng áo, “ra sân”, lao vào trận túc cầu quyết liệt. Mưa tầm tã. “cuộc chơi” thật tự do, tâm lý thật thoải mái. Mưa nước lênh láng, đất trơn trợt, chúng tôi quần nhau trong sân một hồi thì trái banh xẹp lép. Tụi tôi đứa nào đứa nấy ở trần trùi trụi, độc nhất có cái quần đùi, giành lấn, xô té, lăn lóc trong nước lầy lội, lúc này có đá banh gì nữa, chủ yếu là đùa giỡn, có đứa còn bị tuột cả cái quần đùi ra vẫn vô tư cười hí hửng, đứa nào đứa nấy mình đầy sình lầy, ra sức hò hét la lối thỏa thích. Tôi cũng hò hét căng gân cổ, chẳng còn thấy trái banh đâu, chỉ thấy bu lại nhau, tranh giành, nước tung tóe… Quá xá vui… Cái vui đang ở cao độ thì…

“Tắm tới cở đó hả. Quá sức rồi. Đứa nào đứa nấy dầm mưa như vậy về nhà đau ốm báo cha báo mẹ hả? Về hết! Về hết! Quá thế!”Mẹ tôi về. Mẹ quát rất to. Mẹ giận lắm.

Không đứa nào bảo đứa nào, tất cả giải tán rất nhanh. Tôi bước vội vô nhà.

“Tắm lại cho sạch, thay đồ, rồi ra chỏng cúi xuống”. Mẹ tôi ra lệnh. Bà cũng ướt mèm vì dầm mưa về, nhìn tôi cách giận dữ.

Tôi vừa tắm lại cho sạch ở sàn nước (nơi phía sau nhà bếp để làm những việc như chuẩn bị nấu nướng, rửa chén bát, giặt đồ…), vừa lo sợ bị đòn, vừa thắc mắc, sau đang mưa đầu mùa dễ bị bệnh mà mẹ gấp gì về thế nhỉ? Thay đồ xong, tôi bước ra chỏng, nằm sắp xuống, úp mặt chờ đợi… Tôi nhìn những đầu ngón tay móp lại và lạnh ngắt vì dầm cả tiếng đồng hồ ngoài mưa, bây giờ tôi thấy mình bị nghẹt mũi, cảm giác lạnh rần rần trong mình nổi lên, tôi nghe tiếng mẹ tôi bước đi , tiếng mẹ tôi bước lại bên vách nhà, nơi bà thường vắt mấy cây roi tre ở đó. Mẹ tôi bước lại bên giường, cầm cây roi tre nhịp nhịp lên mông của tôi. Hai bàn tay tôi nắm chặt lại, cắn răng để chuẩn bị chịu đựng đường roi của mẹ! Lúc ấy tôi chưa khóc.

(Ảnh: Tác giả bài viết này lúc 14 tuổi, sau khi vào Tiểu Chủng Viện 2 năm, và em trai kế).

“Cái gì mà đánh thằng nhỏ thế. Bây hở ra là đánh, hở ra là đánh. Hồi đó tao có đánh bây vậy hông?”Tiếng ông ngoại tôi nói vọng ra từ “phòng” của ngoại. Nói là “phòng” cho dễ nghe thôi, đó chỉ là một góc trong nhà. Mẹ ngăn 1 tấm vách chấn ngang một phía, và một phía có tấm màn để ngoại dễ vén lên ra vào.

“Cha coi, dầm mưa chơi cả tiếng đồng hồ. Chơi từ chuối trồng tới chuối trổ, chịu nổi hông?”

“Thì thủng thẳng dạy nó, có đâu mà mỗi cái mỗi đánh. Bởi vậy nó mới là con nít”.

Mẹ tôi hay dùng câu “từ chuối trồng tới chuối trổ”. Ý nói kéo dài như cây chuối từ khi trồng cho tới khi nó trổ buồng, coi như “từ đầu mùa cho tới cuối mùa”. Tôi bị mắng nhiều lần bằng câu nói đó. Thí dụ ăn cơm mà ăn quá lâu, mẹ bảo: “Ăn lẹ đi, ngồi ăn rề rà quá, từ chuối trồng tới chuối trổ”.

Không hiểu sao, khi nghe tiếng ngoại, tôi bật khóc. Bờ vai tôi run lên, chắc mẹ biết tôi đang khóc. Một thoáng im lặng, bất ngờ mẹ tôi rờ trán tôi. Mẹ tôi nói lớn như để ngoại nghe.

“Nóng bừng rồi thấy chưa! Dầm mưa cả buổi mà không đau sao được. Ngồi dậy, lấy áo ấm mặc vô. Trùm mền lại, nằm yên đó… nằm yên đó… nghe chưa”.

Tôi ngồi dậy làm theo lệnh mẹ. Cái áo ấm không xa, tôi đã vắt ngay ở thanh chỏng tôi đang nằm. tôi nằm xuống, tư thế nằm ngửa bình thường và trùm mền lại. Tôi nằm quay mặt vào vách nhà.

Trời bên ngoài u ám, tiếng nổ sấm sét và mưa nặng hạt trở lại…

Tiếng mẹ bước vào buồng và bước ra vội vã…  

Tôi đang đoán xem mẹ đi đâu…

Khi bước chân mẹ đã đi qua, tôi quay mặt ra và ngồi chồm dậy nhìn ra ngoài cửa. Bóng mẹ đội chiếc nón lá và choàng tấm nilon (không có áo mưa) đang mờ dần trong màn mưa trắng xóa.

Gần một tiếng đồng hồ sau mẹ mới về. Tôi đoán đúng: mẹ  đi mua thuốc cho tôi. Từ nhà tôi đến tiệm tạp hóa (tiệm này bán đủ thứ từ nước mắm nước màu đến thuốc tây thuốc tàu thông dụng…) cách hơn nửa cây số, đường quanh co, mưa sình lầy trơn trợt, lại qua cây cầu khỉ.

Mẹ thay đồ vì mưa gió quá lớn, cái nón lá và tấm nilon không đủ sức che chở mẹ khỏi ướt đẫm. Xong, mẹ lay tôi thức dậy, mẹ tưởng tôi ngủ, nhưng thực ra tôi vẫn thức.

“Ngồi dậy uống thuốc nè con”.

Mẹ đặt trước mặt tôi 2 chai thuốc Tàu “Ngoại Cảm Thủy” hiệu con Lạc Đà. Thuốc khó uống, vị đắng và lớ lớ lờ lợ khó chịu lắm. Mẹ để kèm một bên 2 viên kẹo. Ở miền quê lúc ấy, khi đau mấy chứng bệnh thông thường, hay uống thuốc Tàu. Tôi bị cảm lần nào cũng uống thứ thuốc này. Tôi nín thở uống vào, và ngay lập tức mẹ đút viên kẹo vào miệng tôi liền, vuốt vuốt ngực tôi, vì nhiều lần uống xong tôi mửa ra hết trơn.

Trời vẫn mưa dai dẳng, tối trời tối đất, lúc ấy có lẽ khoảng 5 giờ chiều rồi. Mẹ bảo tôi ngủ đi, mai mạnh còn đi học nữa. Mẹ bỏ mùng cho tôi. Tôi nghe mặt mình bừng bừng nóng, trong mình rời rã. Dầm mưa cả tiếng đồng hồ và đùa giỡn cở đó mà không rời rã mới lạ. Tôi hối hận… Thường sau khi bị đòn, mẹ dạy tôi khoanh tay lại xin lỗi mẹ. Nhưng hôm nay chưa bị đòn, nên tôi chưa xin lỗi mẹ.

Tôi nằm mơ màng sắp ngủ… Tôi nghe tiếng Ba tôi gọi mẹ…

Tôi nằm mê man, và ngủ lúc nào không hay… Tôi nghĩ là mình đã ngủ giấc ngủ dài, và trời sáng. Tôi nghe tiếng mẹ kêu tôi. Tôi “dạ”, và hỏi mẹ:

“Đi học hả má?”

“Đi học gì?”Mẹ tôi sờ trán tôi, lo lắng - “Bộ mớ hả . Mới có 7 giờ tối, đã sáng đâu mà đi học. Thức dậy ráng ăn miếng cháo đi con”.

Mẹ khuấy khuấy tô cháo, múc từng muỗng cháo lên rồi đổ xuống, lập đi lập lại động tác ấy nhiều lần, vừa làm vừa thổi cho cháo bớt nóng, và nói với tôi:

“Ba con bắt cả bao chuột, có cóc ếch nữa. Cháo cóc này ngon lắm. Ăn giải cảm, mau hết bệnh đó. Con ăn đi, mẹ tiếp Ba làm chuột.”

Mẹ đưa tay sờ trán tôi một lần nữa, mẹ mới quay đi.

Mẹ và Ba làm chuột xong mới ăn cơm, Mẹ thường chờ Ba ăn cơm chung như vậy. Sáng mai mẹ sẽ đi chợ sớm để bán chuột,  những con chuột đã được làm sạch và được muối sơ qua. Ba sẽ nhắc tôi đi học trước khi ba đi đồng. Lúc đó tôi không biết sáng tôi có đi học nỗi không (thực tế tôi đã nằm bẹp đến Thứ Hai mới đi học được).

Tôi bưng tô cháo húp từng muỗng, từng muỗng… hương vị quê hương đến bây giờ tôi còn nhớ… Tô cháo cóc của một đêm mưa trong tổ ấm gia đình ngày xưa mà tuổi thơ dại khờ lúc ấy có khi chưa hiểu đủ và chưa biết quý yêu đủ.. để bây giờ nhìn mưa rơi… nỗi nhớ ngày xưa ray rứt trong lòng thật khó nguôi ngoai.
 

MAI NHẬT THI

 

Đang có 119 khách và không thành viên đang online

12953157
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
8110
10392
62445
12810320
101355
331506
12953157

Your IP: 18.227.228.95
Server Time: 2024-05-10 18:01:52