You are here:

NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG (2)

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG (2)

Mến chào các bạn.

Hôm nay mình đăng thêm một số bài mới của các bạn. (...)

 


NHẮN TIN LỚP VINCENT LIÊM 66 CÁI RĂNG (2)
 


 

Mến chào các bạn.

Hôm nay mình đăng thêm một số bài mới của các bạn.

Với các bạn không có điều kiện gởi email, các bạn có thể gởi thư qua  Bưu Điện cũng được. Xin nhắc lại, địa chỉ email của mình là: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. . Nếu các bạn muốn gởi hình được  nhiều hơn, các bạn gởi địa chỉ của mình bên gmail:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. . Địa chỉ gởi Bưu Điện: Nhà thờ An Long, huyện Tam Nông. Tỉnh Đồng Tháp.

Mình xin nhắc lại đôi điều liên quan đến viêc gởi bài vỡ cho  “Kỷ Yếu 50 năm ngày vào Chủng Viện Cái Răng  18.06.1966 – 18.06.2016”, mà mình đã nhắn tin với các bạn trong kỳ đăng một số  bài cho kỷ yếu lần I.

Mính đánh số theo từng tên các bạn. Mỗi số là 1 người. Nếu bạn viết nhiều bài, thì sẽ xen vào “số” của bạn. Thí dụ Phan Thanh Thái là số 004, Bạn Thái viết thêm nữa thì xin xem ở số 004. (Vì thế các bạn nên cho biết tên Thật khi gởi bài, còn bài nào muốn dấu tên – thì xin để Bút Danh kế bên tên thật, mình hiểu là bạn muốn ký Bút Danh).

____________________ 

ĐỀ NGHỊ CÁC BẠN:

+ Khi viết bài, các bạn vui lòng “ký tên thật” cho gần gủi, thân mật, để nhớ lại tên tuổi bạn bè ngày nào, trừ khi các bạn viết bài chia sẻ về đời tư, có những điều cần giữ bí mật - thí dụ chuyện tình cảm chẳng hạn -  sợ…vợ con buồn, thì các bạn.. vì lý do “an toàn”,  đành ký “bút hiệu” vậy! Nếu có thể được, xin các bạn gởi cho tấm hình “tác giả bài viết” mới nhất, một mình, hay với gia đình cũng được.

+ Thời gian không còn dài, mong các bạn tranh thủ để thuận lợi trong việc in ấn.

+ Bài của các bạn sẽ đăng trên canhdongtruyengiao.net ở mục Giáo Xứ An Long, đồng thời cũng đăng trên thegioiriengtu.com ở mục Tâm Sự Của Bạn

+ Rất cần hình Tòa nhà Chủng  Viện  khu  A trước 1975 để làm hình bìa. Nếu các bạn biết ai đó thì mượn, scan xong sẽ trả lại.

+ Các bạn có những hình ảnh kỷ niệm tuổi học trò khi còn ở Chủng Viện, hay hình Tiểu Chủng Viện Á-THÁNH-QUÍ trước năm 1975, vui lòng cho mình mượn, mình sẽ hoàn trả lại các bạn sau khi hoàn thành tập Kỷ Yếu.

Xin các bạn gởi bài về PHAN THANH THÁI để bạn ấy biên tập nội dung, sau đó bạn ấy sẽ chuyển về mình để sắp xếp lên khuôn in ấn.

Cám ơn các bạn.

Bạn cũ

NGUYỄN VĂN TIẾNG

_____________________

 

BÀI ĐĂNG KỲ TRƯỚC ( 1 – 3)

001. TIỀN ƠN GỌI HỒI KÝ – Phú Nghĩa.

002. CỌP NHỚ RỪNG . Không Không (?)

003. ĐIỂM DANH… HỌP LỚP.  Trần Sơn.

______________________

 

004. CÁI TÁT

Câu chuyện xảy ra vào đầu tam cá nguyệt thứ nhì năm 1966, lớp đệ bát (tương đương lớp 6 bây giờ) của một cậu bé 10 tuổi….

(Ảnh; Phan Thanh Thái. 2005, tại An Long).

Kết thúc đợt nghỉ giữa kỳ được nửa tháng, như các bạn khác cậu bé phải quay trở lại chủng viện tiếp túc việc học.Sáng hôm đó gia đình chuẩn bị đầy đủ để đưa cậu bé trở lại trường,tuy nhiên, trong lòng mình, cậu bé không muốn rời xa gia đình chút nào hết vì trong thời gian được nghỉ ở nhà vừa qua, cậu bé được gia đình hết mực cưng chiều, được sống gần gủi vui vẻ với bà ngoại cùng ba mẹ và đặc biệt là đứa em trai nhỏ còn nằm trong nôi. Càng nghĩ cậu ta càng cảm thấy buồn và nổi nhớ nhà, nhớ em càng tăng dần lên. Cậu bé khóc thật nhiều và mặc cho bà ngoại và mẹ cậu hết sức dỗ dành, cậu vẫn nhất quyết không chịu ra xe để đi.

Cuối cùng ba cậu bé nói với cậu rằng “Thôi được, nếu muốn ở nhà thì cũng phải vào chủng viện gặp Cha Giám đốc xin phép đàng hoàng mới được”.Cậu bé đồng ý.

Đến chủng viện, ba cậu bé dẫn cậu đến trình diện với Cha Giám đốc, trình giấy xác nhận của Cha sở và đóng học phí…

Thấy ba của mình làm vậy cậu bé bắt đầu khóc và nói với Cha Giám đốc là cậu chỉ muốn về nhà thôi.Cha Giám đốc chỉ mỉm cười và động viên cậu bé.Cậu càng khóc lớn đến khi quay lại thì ba của cậu đã ra xe về lúc nào không hay.

Rồi Cha Giám học xuất hiện.Cha Nguyễn Tấn Thinh ( cũng là Cha đỡ đầu xức trán của cậu bé) bảo cậu bé thôi nín đi nhưng cậu lại càng khóc lớn hơn nữa,trong lòng buồn ba của mình lắm vì tại sao ông nở lòng nào bỏ cậu lại một mình mà về như vậy?

Sau một hồi đỗ dành không được, Cha Giám học nói với cậu bé rằng “Nếu cậu không nín, tôi sẽ phạt cậu đó”.Nhưng cậu bé vẫn tiếp tục khóc, thế là …”bốp”… cậu bé lãnh trọn một cái tát tai của Cha đỡ đầu. Quá bất ngờ lẫn sợ hãi, cậu bé nín khóc ngay lập tức và riu ríu làm tất tần tật theo lời của Cha Giám học.

Lên phòng ngủ, cậu tự tay giăng mùng và sắp xếp mọi thứ, những việc mà phụ huynh của những học viên nhỏ tuổi như cậu đều được ba mẹ làm giùm cho…

Cái tát tóe lửa đó đã giúp cậu bé trấn tỉnh lại, vượt qua mọi nổi buồn ủy mị để tiếp tục học hết 7 năm trung học dưới mái trường chủng viện.Giờ đây, tuy không theo được Ơn Gọi nhưng cậu bé cũng đã trưởng thành và là một giáo viên có đóng góp ít nhiều cho xã hội, cuộc sống an lành nhờ hồng ân của Chúa.Và xin thắp một nén nhang để tưởng nhớ đến Cha Anphongso Nguyễn Tấn Thinh.

Phan Thanh Thái.


NĂM MƯƠI NĂM KỶ NIỆM
 

Xòe tay đếm năm mươi năm chẵn,
Từ khi đám trẻ tựu về đây.
Được chăm lo, nuôi dưỡng đêm ngày,
Như chung một gia đình yên ả.

Đôi lúc chợt nhìn qua kẽ lá,
Lắng tai nghe ve hát chim ca.
Thấy cánh diều thấp thoáng nơi xa,
Tuổi biết buồn, nhìn cơn mưa hạ…

Thời gian lướt trôi đi nhanh quá,
Cuộc đời nhiều lúc lắm truân chuyên.
Sau bao năm gặp lại bạn hiền,
Phút trùng phùng lòng vui khôn xiết.

Trắng đêm nhắc làm sao cho hết,
Kỷ niệm xưa bỗng kéo nhau về.
Ngày mai này bạn lại hồi quê,
Ta cũng mỗi người riêng lối rẽ.

Chúc anh em an lành vui khỏe,
Thêm một năm hẹn gặp nơi này.
Mong chúng ta hiện diện đủ đầy,
Chào tạm biệt, bạn ơi nhớ nhé !


Phan Thanh Thái

 

005. GỬI BẠN

Những kỷ niệm thời còn học tại chủng viện Cái Răng, mình không nhớ nhiều...Mình nhớ mãi buổi chiều ngày 24/12/1967, anh em chủng sinh đang tập trung tại nhà nguyện để cấm phòng chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh thì Chị Út Chi (ở cùng quê) đến báo tin, anh mình đã tử trận, Mình xin phép Cha giám đốc, lúc ấy là Dom Đỗ Kim Thành về chịu tang và mình đã ra về không trở lại nữa, từ buổi chiều hôm đó!

(Ảnh: Võ Hồng Sơn, thời Tiểu Chủng Viện Cái Răng).

Thầy Du nói với tất cả anh em "giúp lời cầu nguyện cho anh mình, lớp mình có 4 thằng cùng tên Sơn :1/- Trần Thanh Sơn (Sơn Mập) - 2/- Phạm Thanh Sơn (Sơn SócTrăng) - 3/- Trương Minh Sơn (sau này là em rể của mình). Còn mình là Võ Hồng Sơn


Từ ngày đó, mình đi nhiều nơi và gặp đủ chuyện..Phan Rang, Nha Trang, Đà Lạt...đến năm 1973 quay trở về Cần Thơ và xin vào trường Trung Học Đồng Tâm, có gặp Đinh Kim Đoàn (học 12A5), thằng Chính có biệt danh hơi khó nghe (C..sò)


Sau 30/04/1975 bị đuổi khỏi trường đại học Luật Cần Thơ! Về quê cưới vợ, làm ruộng, làm đủ nghề, không xin được việc gì cả, lý lịch quá xấu, đạo Thiên Chúa... ai mướn thì làm, miễn có gạo để nuôi sống con cái, trèo dừa, rửa dừa (thằng Ni biết chuyện này vì có lần làm cho nó,1 cây 200đ, lặn móc sình đổ học mía, cuốc đất trồng khoai, đi làm thủy lợi hàng năm, mình nhớ hoài công việc này, mình cầm tấm bằng trắng kẻ hàng chữ đỏ thật to đi dẫn đường , hàng chữ viết "Sức ta mạnh hơn sức trời. Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa!".

Câu này bây giờ mình thấy thắm ghê..thấm tới xương!..và vì buồn quá nên chiều nào cũng nhậu! Vui nhậu, buồn nhậu...không vui, không buồn cũng nhậu..toàn rượu đường… làm gì có rượu gạo! Năm 1979 bị bắt đi thanh niên xung phong,tình hình phía Bắc đánh Trung Quốc, phía Nam đánh PonPot... lúc đó vợ mình mới sinh đứa thứ 2 hơn 1thang, mình đóng quân tại xã Vĩnh Xương - Châu Đốc, giáp ranh Campuchia, gian khổ xém chết mấy phen!!!

Xong bổn phận về lại VN , về lại quê nhà không có được 1 tiếng cám ơn của ai đó hay 1 tổ chức nào hết, họ còn nói "đi biên giới mà hổng chết là may lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa! Đúng thật là vậy... tiểu đoàn của mình vừa chết, bị thương và bỏ trốn hơn 50%. Trước lúc lên đường lúc ấy huyện đội là ông Trung Úy Huỳnh Việt Anh, bí thư chi đoàn là Lê Hoàng Y động viên nhiều lắm, nào là...nào là...đổi đời, lý lịch sẽ đẹp hơn..cuối cùng câu này là mình thấm nhất "mài sừngcho lắm cũng là Trâu", "cốt khỉ vẫn là cốt khỉ"! buồn quá lại nhậu, chiều chiều nhậu càng dữ hơn!! vợ mình chia sẽ nổi buồn của mình...càng đẻ xung hơn..xung ngó thấy... đến nỗi thằng bạn tâm sự với mình "người ta giàu, ăn ngày 2,3 bữa (bữa cơm). Nhà mình nghèo "đóng cửa" tâm sự trừ cơm và đã có lần vì quá say, quá xỉn mình đã lủi vào nhà của con cháu gái, con của người Chị bà con Cô Cậu ruột giữa trưa ! chưa làm gì mà thằng chồng nó ghen quá đã làm om xòm thưa đến Cha sở là Linh Mục P. Trương Diệu... mình quê muốn chết luôn và cha Diệu đã khuyên mình và mình đã thấm và đã viết những dòng này, vui chơi va rằng mình đừng vì rượu mà hư cả 1 đời, ảnh hưởng đến con cháu...tương lai của chúng nó (có lẽ chuyện này thằng Ni biết).

 
                       "RƯỢU"

Rượu sẽ làm bạc nhược gầy yếu
Thích ăn chơi trốn tránh việc hằng ngày
Mấy ai thích kẻ no say quá độ
Suốt một ngày chỉ biết đến ly chai

Khà… khà… nâng ly lên có nghĩ chuyện ngày mai
Đang chờ đợi bàn tay ta chăm sóc

Khoan..khoan..cũng vì tình mà thể xác mệt nhọc
Cũng vì tình mà chất độc ngấm sâu

Cho tương lai con chau khoắt một  màu
"tửu nhập tâm...dâm nhập...
Thân bệnh hoạn và khí khôn u tối"

Chúng làm gì mà oan ương chịu tội

Để lớn lên trong vũng tối thiệt thòi
Phận làm  Cha sau không biết xét soi
Gương đi trước bao vết xe đã đổ
Hãy tránh xa để các con khỏi khổ
Bởi luật trời không có chỗ thứ tha

Hai đem cộng một là ba (2+1=3)
Thích mê ăn uống là cha cái nghèo
 
 VÕ HỒNG SƠN (0916666029)

 

006. HỒI KÝ ĐỜI TÔI         

Khoảng 7 tuổi , tôi thường được mẹ dẫn đi xem lễ ngày Chúa nhật ở nhà thờ Cha Quý . Lúc đó Cha là phó xứ và là hiệu trưởng trường tiểu học Tín Đức mà mấy năm sau tôi theo học tại đó với các bạn cùng trang lứa trong họ hàng và các bạn cùng quê miền Bắc . Nhà tôi cách nhà thờ Cha Quý hơn một cây số . Trường Tín Đức gần hơn , cách nhà tôi khoảng một cây số thôi . Những năm tiểu học chúng tôi đi bộ tới trường . Ấn tượng để lại nơi tôi là Cha hành lễ trang nghiêm , khung cảnh nhà thờ đầy vẻ huyền nhiệm . Sau lễ mẹ dẫn tôi ra chợ ăn bánh cuốn . Hiện nay chợ vẫn được quy hoạch tại chỗ xưa kia và chỗ ăn bánh tôi còn nhớ như in trong trí nhớ.

(Ảnh: Trần Văn Quý, thời Tiểu Chủng Viện Cái Răng).

    Trong mấy năm cuối tiểu học và đầu trung học , giáo xứ Bến Hải được Cha phụ trách trẻ trung , các thầy về giúp xứ kỳ hè , các chủng sinh về nghĩ tại gia đình , có tham gia sinh hoạt phụng vụ đạo đức ở nhà thờ

    Thấy các thầy , chủng sinh khôi ngô tuấn tú , các anh lớn còn đàn giỏi nữa tôi nãy sinh mơ ước mình cũng được gia nhập vào đoàn chủng sinh của giáo xứ.

    Tôi xin học tập giúp lễ cho Cha xứ , phải học kinh Latinh nhất là kinh cho mình đầu lễ bằng Latinh . Cha dang lễ sốt sắng , mắt long lanh hiền từ như mắt bồ câu lúc chắp tay đọc kinh.

    Tôi học đệ thất tại trường trung học Chân Phước Liêm do các Cha dòng Đa minh phụ trách . Cha Nguyễn Triền Miên làm hiệu trưởng , trông lù khù vậy mà có bằng tiến số triết học . Cuối năm đệ thất tôi thi vào Tiểu Chủng Viện Sài Gòn nhưng không đậu . Tôi tiếp tục học đệ lục lại trường Chân Phước Liêm.

    Dịp tết năm học đệ lục , thầy Thiện , họ hàng bên mẹ tôi , đang học thẫn học tại Đại Chủng Viện Sài Gòn có dịp ghé thăm gia đình . Thầy hỏi tôi có muốn đi tu ở địa phận Cần Thơ thì thầy giới thiệu Cha bảo trợ và nhờ Ngài giúp thủ tục thi tuyển vào Chủng Viện . Tôi vui mừng đồng ý và thầy đã liên lạc xin Cha Hải , phó xứ Cà Mau , lo giấy tờ cho tôi dự thi vào tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý Cái Răng , Phong Dinh.

    Tháng 4/1966 tôi dự thi vào một tuần và được chọn vào tu học . Ngày tựu trường là ngày 18/6/1966 . Tại Tiểu Chủng Viện Cái Răng.
.
    Cha Thành hiệu trưởng thường hướng dẫn lớp tôi nguyện gẫm ban sáng trước khi chúng tôi xuống nhà nguyện tham dự Thánh Lễ với các anh em lớp khác . Cha Thành toả mùi thơm thoang thoảng khi mặc tu phục đi ngang chúng tôi .

    Cha Thinh , giám học , dạy pháp ngữ , có biệt tài thuyết minh truyện phim " Tin Tin Et Milou " trong bộ phim truyện " les beaux films " . Hầu hết chủng sinh chúng tôi đều vui sướng khi nghe Cha thuyết minh truyện phim này.

    Cha mẫn , quản lý , tóc rẽ thẳng , đẹp trai nhưng nghiêm nghị , vào nhà cơm thường nhắn nhủ các chủng sinh ăn rau xà lách để sức khoẻ được tốt . Cha Mẫn là giáo sư môn La văn và Anh Văn . Cha tư làm quản lý đi đâu trong nhà cũng có chó đi theo bảo vệ.

    Thầy Triết dạy Pháp ngữ , có trí nhớ rất sắc sảo , thỉnh thoảng kể chuyện trinh thám cho lớp nghe , cả lớp yên lặng ngồi nghe như những pho tượng vì Thầy kể hấp dẫn quá đông . Cha có giọng đọc chính tả rất chuẩn xác và truyền cảm.

    Cha Đồng , linh hướng , dạy giáo lý , có phong cách trâm anh quý tộc , môi son , mắt phượng , tóc mây , da ngà . Cha yêu thích thể thao , có thể chơi bóng đá , bóng rổ , biết đàn , biết hội hoạ . Cha Đồng là thần tượng của tôi thời gian học ở Tiểu Chủng Viện Cái Răng.

    Anh em lớp tôi mỗi người một cá tính , một nhân cách , một tính tình riêng.

    Bạn Năng , con đỡ đầu Cha Hiển , có năng khiếu âm nhạc , được Cha chăm sóc đặc biệt . Bạn Năng có thể chơi một số nhạc cụ phổ thông , đặc biệt là dương cầm.

    Bạn Hội , từng học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt là mẫu người chăm học của lớp , đá banh khá . Tôi nghe nói bạn Hội qua đời vì tai nạn đắm thuyền trên sông.

    Bạn Hữu Nghĩa và Phú Nghĩa là cặp bài trùng trên sân bóng chuyền , luân phiên đập những cú đẹp mắt trên sân cỏ . Có thể gọi bạn Phú Nghĩa là cây thể thao của lớp vì môn thể thao nào cũng chơi được nhưng trổi vượt hơn cả là bóng chuyền..

    Bạn Emmanuel Liêm có giọng nói ỏn ẻn như con gái.

    Bạn Phước Huữ vóc dáng mảnh dẻ có phần yểu điệu , tính tình hiền lành như ma sơ.

    Bạn Gioang đá banh giỏi , thường giữ nhiệm vụ tấn công , sút banh váo khung thành của bên kia . Bạn thường sút banh khi được hưởng quả phạt đền 11  . Hồi lớp 9 , bạn Gioang đã chơi ghita khá điêu luyện . Tôi thích bạn ấy vừa gảy đàn vừa hát " Biển Mặn " của Trần Thiện Thanh . Rất ngọt ngào.

    Bạn Tròn cao lêu khêu , tay dài có sở trường về bóng rổ , thường xoay người  một vòng trược khi ném bóng vào rổ.
.
    Bạn Phạm Thanh Sơn đẹp trai nhỏ nhắn trắng trẻo như con gái , biết đàn ghita và bóng bàn.

    Bạn Tiếng thường vắng mặt ở sân thể thao , biết chơi bóng bàn , có dáng vẻ nghệ sỉ , thường chơi ghita các thời gian nhiệm ý , vẽ hình minh hoạ trong các kỷ yếu của lớp , của trường.

    Bạn Nhạc có năng khiếu ghita (cũng xứng hợp  với tên cúng cơm mà bố mẹ đã đặt khi sinh ra bạn).

    Bạn Trọng Nghĩa , thân  hình vạm vỡ , có thể xem như vận động viên điền kinh của lớp , chơi bóng rổ hay , học giỏi  , được tuyển chọn theo học ban B ( toán - lý -hoá ) tại trường Lasan TaBerd Cần Thơ , cách Chủng Viện khoảng ba cây số . Trọng Nghĩa có sức khoẻ tốt , được giao nhiệm vụ bấm chuông giữ giờ sinh hoạt trong Chủng Viện.

    Bạn Ngọc Linh có dáng yễu điệu thục nữ , nói cười nhỏ nhẹ (xứng hợp với tên gọi mà bố mẹ đặt cho).

    Bạn Nhật đá banh khá , khổ cực vì mặt mụn tuổi dậy thì.

    Bạn Phước Thảo , sở trường bóng đá và bóng rổ.

    Bạn Thái đẹp trai , nước da trắng như trứng gà bóc , bộ răng trắng đều con cưng của Cha Thinh , có thể xem như người đẹp nhất lớp.

    Bạn Thông nóng tính , thích tranh luận , dị ứng với một số thức ăn nên phải có thức ăn riêng khác thay thế do nhà bếp cung cấp.

    Mãn Tiểu Chủng Viện ,  khoảng 20 anh em được Đức Cha cho học ở Đại Chủng Viện để chuẩn bị lãnh chức Linh Mục sau này . Tôi được Đức Cha cho học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích , Vĩnh Long.

    Nhà nguyện Đại Chủng Viện có kiến trúc đông phương với hai câu đối treo trên cung thánh : 

                " Kê cổ trên hiền truyền chủ du 
                   Nhi kim thánh tử đối dân đàn


    Dãy nhà triết học có màu vàng vàng nên chúng tôi đặt tên là hoàng cung , dãy nhà thần học mang màu trắng chúng tôi đặt là bạch cung . Lớp triết 1 tôi được sắp xếp 8 anh em một phòng , mỗi người có giường , bàn ghế , tủ đứng lớn để học tập , nghĩ ngơi.

    Cha giáo Bourguignon thường nói câu " Tốt lắm con há " khi giao tiếp các " Tày " (là Thầy đó) . Cha Kiệu ngoài giờ dạy học còn nuôi trăn trong chuồng.

    Có Cha Giáo người nước ngoài , phát âm Tiếng Việt chưa giỏi , " râu dài " cha phát âm là " râu dái " làm chúng tôi cười bò lăn.

    Ngày 30/4/1975 đất nước có thay đổi chính thể . Đức Cha Quang sắp xếp tôi và 11 anh em về nhà thờ Cờ Đỏ sinh sống dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của Cha Thông . Ở Cờ Đỏ các thầy canh tác ruộng đất với các sơ Chúa Quan Phòng và nhà Tiểu Đệ Chúa Giêsu . Nhà chung Cờ Đỏ có khoảng 15 mẫu tây trồng lúa . Đối với anh chị tu sĩ , đất ruộng bạt ngàn nên chỉ có thì giờ xạ lúa . Vụ đầu được 900 giạ , bình quân mỗi công 6 giạ . Đóng thuế cho Nha Nước 100 giạ.

    Bên các Thầy có nuôi heo , ít gà và cộng đoàn sinh sống nhờ bổng lẽ Cha phụ trách hỗ trợ vào . Có thời gian anh em chủng sinh thay phiên bán thuốc lá ở chợ Cờ Đỏ trang trãi cuộc sống.

    Cuộc sống khó nghèo , giáo dân biếu từng lạng đường . Anh em luân phiên nhau gánh nước về chứa ở hai phuy mỗi ngày để có nước ăn uống tắm rửa.

    Anh em chủng sinh đang tuổi thanh niên nên phải tham gia quốc phòng và lao động xã hội chủ nghĩa.

    Thầy Lợi và thầy Thảo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có đi bộ đội một thời gian . Anh em còn lại tham gia chương trình thủy lợi đào kênh dẫn nước tưới tiêu tại địa phương . Có lần đóng quân xa nhà thờ nhiều cây số , phải mang lương thực đi theo . Sáng thức sớm lo ăn uống rồi đi đào kênh theo chỉ tiêu ở trên giao . Ăn trưa và nghỉ tại công trình . Chiều làm tiếp đến gần tối thì về điểm cắm trại tắm rửa , nấu ăn , ngũ để đêm để sáng hôm sau tiếp tục công việc . Những đợt đi lao động này giúp các thầy kiểm tra sức mạnh tuổi trẻ . Tôi vui mừng vì ăn khỏe ngủ nhiều , làm việc tốt trong những ngày đào kênh dẫn nước.

    Chiều ngày 16/9/1977 Đức Cha Quang quyết định tôi phải về gia đình dưỡng bệnh dài hạn vì sức khỏe kém.

    Năm 1981 , nghị quyết Nhà Nước cho nông dân nhận khoán sản phẩm với hy vọng nông dân đỡ cực khổ và sản phẩm tăng lên cho xã hội . Gia đình tôi có nhận khoán và đi làm thêm ở các nơi trong quận Gò Vấp và có thời gian ở nơi xa hơn . Lao động nông nghiệp vất vả , chân lấm tay bùn , nhưng được lợi điểm là nhẹ đầu óc.

    Năm 2001 em trai tôi giới thiệu tôi làm nhân viên bảo vệ Mặt Trận Tổ Quốc Quận . Có lần chị Phó Chủ Tịch Mặt trận Thành Phố xuống họp . Trông thấy tôi chị nói có phải dân tu không ? . Tôi nói có ai giới thiệu cho chị biết hay chị phỏng đoán . Chị nói trông vóc dáng thì phỏng đoán vậy và có vẻ quý tôi . Tôi mừng vì còn giữ được cốt cách nhà tu để không làm xấu danh Chúa.

    Ngày 26/12/2008 bố tôi đau nặng . Đầu năm 2009 tôi phải nghĩ việc ở mặt trận để về chăm sóc bố cho tới khi bố tôi mất ngày 19/4/2009 . Khoảng tháng 10/2009 tôi nhận giúp việc cho nhà thuốc tây tư nhân đến 31/12/2011 thì nghĩ về nhà lo việc gia đình .

    Tháng 3/2012 tôi gia nhập tổ bảo vệ nhà thờ Bến Hải , phụ trách ca chiều . Công tác được 7 tháng thì mẹ tôi ngã bệnh liệt giường tôi phải nghĩ việc ở nhà thờ để chăm sóc mẹ cho đến khi mẹ tôi mất ngày 30/8/2015 .

    Thời gian làm bảo vệ nhà thờ và chăm sóc mẹ liệt giường tôi tranh thủ những lúc rãnh rỗi để ôn lại giáo lý công giáo và cám ơn Chúa , tôi đã có lại niềm xác tính sự có mặt của Thiên Chúa trong vũ trụ bao la huyền bí này , trong cuộc đời muôn màu muôn vẻ này .    

    Mới đây tôi đã quyết định sống độc thân trong những tháng năm còn lại của đời tôi . Tôi đang lo ổn định công việc gia đình ,  sắp xếp công việc bản thân , tháo gỡ những vướng mắc trong quá khứ với hy vọng có được tâm hồn thanh thản trong phần đời còn lại .

    Tưởng nhớ các bạn đã ra đi trước ( Ái , Công , Chiếu , Dũng , Hùng , Hội , Hiễu , Thanh ) .Xin cho các bạn được nghĩ yên trong Chúa

    Xin anh em cầu nguyện cho mình . Ước mong và cầu xin cho tất cả chúng ta được xum họp trong Nước Chúa

Giuse TRẦN VĂN QUÝ
Giáo xứ Bến Hải , Gò Vấp
18.03.2016

 

007. LỚP  VINCENT LIÊM 1966.        

Trời ơi thắm thoát đã ngũ thập niên trôi . Nghĩ lại mà xao xuyến trong lòng. Bạn bè người còn người đã ra đi. Người còn trong chí hướng kẻ sang sông. Ôi thôi thì biết bao kỷ niệm. Biết nói gì đây các bạn nhỉ ?

(Ảnh: Lê Phước Hữu, thời Tiểu Chủng Viện Cái Răng, và bức ảnh nhận được năm 2005).

            Thôi mình biết gì nói ấy cho vui chút vậy nhé.

            Nếu nói cho hết chuyện đời làm sao hết.

            Nhớ ngày ấy mình vào Chủng viện Cái Răng sao mà xa lạ. Lạ cảnh lạ người. Lạ quá xá. Thấy người này khóc, kẻ kia khóc. Sao mà mình không khóc nhỉ. Cũng là lạ .

            Rồi từ đó mình cứ từ từ tiến thêm một chút. Cái nhớ trước tiên là được thi thử giọng để được chọn học đàn Harmonium. Mình cao giọng lắm nên được chọn. Thích lắm vậy. Nhưng nay không rõ là cha giáo nào phụ trách nữa. Có lẽ là cha Tôma Hiển chăng.

            Tiếp theo là chuyện được thương mà không biết. Tới bây giờ mới ngộ ra là đã muộn. Phải nói chắc chắc là Cha Alphongsô Thinh thương mình lắm. Mình thiếu cuốn sách để học Vạn Vật thì phải? và Ngài cho mình. Nhớ lại sao mà ngu ngơ quá. Còn nữa, nếu Ngài không bầu chữa chắc mình cũng tiêu đời rồi. Số là vào giữa năm lớp 12 mình bị nhức đầu thường xuyên. Ngài biểu đi tuyệt thực chỗ cha Tình. Được nửa chừng mình trốn về vì lo sợ bỏ thi học kỳ thì khổ. Lúc ấy các cha giáo và cả chủng viện xôn xao vì mình. Các ngài đi kiếm rồi bắt trở lại tuyệt thực tiếp. Nghe có li kỳ không vậy ?

            Rồi tiếp theo là kỳ thi Tú tài 1 và Tú tài 2. Mình nhớ nhất ngày thi  chắc là môn vạn vật, cô giáo gác phòng thi rất trẻ, mà lại gác ngay phòng toàn con trai. Chắc là cô có cảm tình lắm cứ cười mỉm chi hoài, lại còn cho coi hình để vẽ cho đúng nữa chứ. Thích quá phải không ! Không biết cô ấy nay còn hay đã mất ???

            Mình toàn nói chuyện xưa không biết là các bạn có thích không nhỉ ? Thôi nói cho vui vậy.

            Nói cái chuyện lên Đại Chủng Viện, mình được chọn lên ĐCV Long xuyên. Thích lắm! Vì gần nhà quê mình. Nhưng năm đầu tiên phải về học ở Tắc Ráng - Rạch Giá. Nhưng ở đâu cũng có người quen. Vui lắm! Mình lại tiếp tục làm cái nghề thợ điện. Một hôm bị điện giật tưởng chừng tiêu đời rồi. Nhưng Chúa chưa cho chết. Tạ ơn Chúa muôn vàn.

            Tưởng chừng đi tu là bình yên. Nhưng lệnh tổng động viên làm anh em lại chia tay. Vui rồi buồn. Lúc này là bắt đầu uống rượu nhiều đó nghe. Tiễn đưa buồn hơn đêm mưa.

 Rồi lại tiếp tục chia tay đi đến những vùng quê xa lắc để lao động canh tác và tập tu cho hợp với thời 30 tháng tư.

Ôi thôi cái thời mà người ta mắc ho còn  không dám nói chi đến nói chuyện to tiếng. Mình được chia đi theo nhóm về xứ Bãi xa xôi lắm. Nhưng nay lại trở thành quê hương thứ hai, vì mình sống ở đó tới 25 năm lận đó.  Mình nhớ mãi buổi sáng hôm đó  bạn H K Hải đòi về, anh em biểu mình lấy Honda đưa ra bến xe. Mình có biết lái Honda gì đâu mà cứ phải chạy đưa bạn đi, bị lầy cát té bị kẹt thằng nhỏ đau muốn chết.  Chắc là cũng phải cám ơn cái thời thế. Vì nhờ đó mà mình biết cuốc, biết đào, biết chài lưới, biết gánh nước tưới rẫy. Nói sợ anh em không tin chứ có hôm mình phải gánh tới 100 đôi nước để tưới rẫy thuốc hút đó. Chưa hết đâu, mình còn biết nhổ mạ, gánh mạ, cấy, xạ phân, xịt thuốc sâu nữa đó. Có hôm đội thúng phân urê lội qua con kinh lạnh teo bugi. Nhớ lại sao mà ơn ớn.

Thời thế thế thời phải thế. Cuối cùng rồi anh em , kẻ đi Tây người đi Tàu, còn lại có một mình. Mình được lãnh Chức Thánh tại giáo xứ nước bạn Khmer vào một ngày trời mưa ơi là mưa. ĐGM thức dậy gọi đi và nói là ngài đã đọc hết ba chuổi để cầu xin hết mưa đó. Cảm động ghê các bạn nhỉ!

Loay hoay từ đó vâng từ đó tới nay đá 21 năm 8 tháng rồi đó. Mình cũng lang thang phiêu bạt nhiều bến đậu. Nếu kể ra có đến 10 bến lớn nhỏ, với đủ thứ lo buồn sầu khổ. Nay về bến gọi là đi Mỹ hưởng Phước. Nhưng than ôi, phải ráo riết làm hệ thống lọc nước chứ không là tắm nước ô nhiễm bị ngứa dài dài. Sau ba tuần lễ nay đã tạm sống được. Nhưng chắc chắc ở đây vẫn chưa là Mỹ đâu.
 

LÊ PHƯỚC HỮU
 

008. GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ VIỆC GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Lược lại Lịch Sử Cứu Độ, ta thấy Cựu Ước là thời Thiên Chúa uốn nắn, sửa dạy dân Do Thái. Và, đến lúc cận kề, Gioan Tiền Hô đã khẩn thiết kêu gọi: “Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Gioan Tiền Hô kêu gọi mỗi người Do Thái phải sửa đổi bản thân để xứng đáng đón nhận Ngôi Lời.

(Ảnh: Nguyễn Đình Thông, 2005, tại An Long).

Thưa các bạn, xã hội bây giờ quá suy đồi, để “Phúc Âm hóa đời sống xã hội” Giáo hội cần phải sửa dạy, uốn nắn “con người” lại, nhất là giới trẻ. Họ rất cần sự quan tâm của Giáo Hội.

Trong dụ ngôn “Người gieo giống”, ta thấy chỉ có hạt giống được gieo vào “đất tốt” mới sinh sôi nẩy nở, cho nhiều bông hạt.

Chúng ta cần biết rằng, trước khi gieo giống, nông dân cần phải chuẩn bị đất ruộng, cày, xới, bón phân, tưới nước… thì mới có đất tốt để gieo hạt.

Trong bối cảnh xã hội đang khiếm khuyết về giáo dục đạo đức, nhân phẩm, nhân cách con người , nên chăng Giáo hội Việt Nam cần phải đưa phần này song hành với việc giảng dạy Giáo Lý, Lời Chúa.

Chào các bạn.

NGUYỄN ĐÌNH THÔNG.

 

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

15297679
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
108
14086
52111
15144151
269312
430571
15297679

Your IP: 3.149.250.19
Server Time: 2024-11-22 00:13:13