TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (2)
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ ba, 24 Tháng 2 2015 23:32
- Lượt xem: 2362
TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (2)
Hồi ký
Đêm nay, trong miền quê vắng lặng này, em cố xua đuổi những hình ảnh chập chờn ám ảnh đầy tang tóc về anh, để tìm lại những hình ảnh trong sáng của những ngày anh hiện diện nơi đây bằng xương bằng thịt, bằng tiếng nói và giọng cười vang vang thật vô tư…
Anh Thành ngồi ở bàn mà chúng tôi (canhdongtruyengiao.net) cùng làm việc bên nhau
trong mỗi lần họp mặt ở An Long. Sau lưng anh là chiếc giường anh ngủ nghỉ.
II
4. CÙNG NGỒI ÔN KỶ NIỆM.
Thế là, từ đó, tôi và anh Thành đã nối được nhịp cầu liên lạc với nhau. Nhưng đến thăm nhau thì rất ít. Thời điểm đó chưa có điện thoại di động. Đường từ nhà tôi đến nhà anh đi ngã Chợ Mới – Sa-đéc, là ngã dễ nhất, chỉ có một chuyến xe đò khứ-hồi duy nhất khởi hành từ Sa-đéc vào lúc 5g sáng và quay về từ Chợ Mới lúc 1 giờ chiều. Tôi đi thăm anh nhiều hơn anh đi thăm tôi, vì anh phải bốc vác gạo mướn, bỏ đi người ta sẽ đuổi việc. Đến thăm anh chỉ có thể gặp nhau buổi tối.
Nghề bốc vác gạo rất là nặng nhọc. Gạo được vào “bao chỉ xanh” to, vác từ ghe lên nhà máy, hoặc từ nhà máy xuống ghe tùy hợp đồng mua bán xuất hay nhập. Người vác đi trên chiếc cầu bắt từ ghe lên bờ.
Chiếc cầu chỉ là một tấm ván dày, và dài, bề ngang khoảng 3 tấc, khi đi tấm ván ấy nhồi lên nhồi xuống rất khó đi. Có một lần tôi thử đi không (đi một mình không có vác gì cả) vậy mà còn muốn té !
Nhưng với “thành tích” 12 năm tù, anh khó mà tìm một nghề khác trong cái xã hội này ! (Bạn đọc sẽ thấy năng lực và thực tài của anh trong phần sau của Hồi Ký này).
(Ảnh minh họa)
Vào thời điểm đó, tôi không giúp được gì nhiều cho anh, vì chuyện làm ăn của tôi cũng không khá gì lắm. Có giúp anh, thì một hai thùng gạo là cùng. Anh em gặp nhau chủ yếu là tâm sự. Cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm đẹp ngày nào, hay những nỗi niềm đắng cay của hôm nay. Không biết ai đã nói câu “hồi tưởng lại những kỷ niệm vui, người ta không còn thấy vui nữa, nhưng hồi tưởng lại những kỷ niệm buồn, người ta vẫn cảm thấy đau khổ”, thật đúng quá !
Khi trò chuyện với tôi, anh xưng là “mình”, và gọi tên tôi. Ngay lúc có nhiều rượu anh vẫn xưng hô như thế. Chưa bao giờ anh gọi tôi là “mày”. Có lúc tôi định hỏi sao anh không gọi “mày tao” cho thân mật, nhưng rồi tôi cũng quên đi mất. Nói chuyện với anh, tôi xưng “em” và gọi anh Thành. Tôi không gọi là anh năm. Lẽ ra thì tôi phải gọi là anh năm mới đúng, nhưng tiếng gọi anh Thành nó quá quen tự bao giờ.
Buổi tâm sự đầu tiên đến gần 2 giờ sáng, khi lần đầu tiên tôi quay trở lại thăm anh kể từ khi tìm gặp lại anh. Anh vẫn bốc vác gạo chiều tối mới về. Có khi có chuyến hàng, người ta tăng “ca”, anh nhận làm thêm đến nửa đêm.
Khi xuống thăm anh, tôi không bao giờ để cho chị năm (vợ anh Thành) đi báo cho anh Thành hay. Nếu ảnh hay, là ảnh về liền. Phần việc của ảnh, ảnh mướn lại người khác, để về sớm với tôi.
Có một điều tôi không cần hỏi anh Thành, thì cũng biết, vào thời buổi này, khi một người đã ở tù thì không thể tiếp tục tu. Anh ở tù 12 năm rồi, thì việc anh “tu xong” là tất nhiên.
- Ủa, Tiếng tới hồi nào vậy ?
- Mới tới cái “cợp”.
- Dốc hoài, giờ này làm gì còn xe. Tràng ơi Tràng, sao không cho anh hay ?
- Anh Tiếng không chịu cho hay.
- Đợi chút nhen, mình ra ngoài này mua bánh cóng, (Trời ! lại bánh cóng ! – Tôi nghĩ trong bụng, tôi ngán ăn bánh cóng vì sợ dầu mỡ, nhưng không dám nói !), kế một bên nè !
- Thôi, anh mệt rồi, nói chuyện chơi thôi !
- Đâu có ! Chiều nào bốc vác xong, tụi nó cũng làm “sương sương” cho đừng “nhức mình” vậy mà ! Có sao đâu !
- Em có đem sẵn “mồi” đây.
- Tôi lôi bọc khô cá lóc ra, và bọc me chua đã lột vỏ.
- Trời, ngon quá ha. Tràng ơi, đốt lửa nướng khô, Tràng ơi !
- Khỏi, em nướng rồi. Anh nói chị năm làm chén nước mắm me là xong. Có mấy con còn sống anh chị để dành ăn từ từ nhé !
- Để mình mua rượu.
Anh đi một chút, mang về bọc rượu và mấy trái dưa leo.
- Ly đầu tiên mừng tái ngộ 100 phần trăm nhen, anh !
- OK.
Dù muốn hay không, câu chuyện cũng tự động quay về quá khứ ! Bởi hiện tại là đây, ai mà chẳng biết, còn tương lai thì đen như mực, nào đoán biết được gì !
- Có người nói với em đã gặp anh đi phà cưa và có ghé cù lao, phải không ?
- Ừa, đúng vậy.
- Sao anh không tìm cách ghé nhà em ?
- Lúc đó mình ngại lắm, không muốn gặp người quen, mình sợ người ta hỏi mình đang làm gì ? Nhất là hỏi về việc tu hành.
- Thế lúc đó anh đã...
- Ừa... Nhiều đêm buồn lắm, nhớ bạn bè, nhớ chiếc áo dòng. Nhiều lúc mơ thấy mình đang còn như ngày xưa.
- Đi phà cưa sống được không anh ?
- Không khá lắm ! Ngày nào có cưa, thì chia tiền theo phần trăm, ngày nào không cưa thì không có tiền. Có khi cả tuần, chạy rảo quanh đó đây, chẳng có ai cưa, thì đói.
- Nên anh chuyển nghề đi ghe mua bán hoa kiểng phải không ?
- Ừa, nhưng một thời gian không khá, nên nghỉ.
Tôi nhìn anh cười:
- Trời ơi, cái thời buổi ăn cơm độn khoai, độn bắp mà còn chưa được no bụng nữa, ai còn tâm trí nào lo trang trí hoa kiểng mà anh mua bán mấy cái thứ đó.
Anh cũng cười:
- Ghe thì có người nửa bán nửa cho, hoa kiểng thì người ta cho lấy hàng chịu, bán rồi về trả sau, thấy tiện quá, nên thử đi xem sao.
- Đi cả hai vợ chồng hả ?
- Ừa, ở luôn trên ghe.
- Lâu lâu về nhà một chuyến hả anh ?
- Làm gì có nhà mà về. Ghe là nhà đó !
- Trời, ghe bao lớn mà làm nhà.
- Nhỏ xíu, tiền đâu mà mua ghe lớn, nên sóng gió vợ mình sợ lắm.
- Anh sống “giang hồ” như vậy được bao lâu ?
- Cũng cả năm gì đó…
Chợt anh cuối xuống, rồi nhỏ giọng:
- Có những lúc đậu ở bến chợ, đêm về, nhìn lên nhà người ta cặp bờ sông, thấy gia đình vợ con của người ta ấm cúng, mình buồn quá trời. Lúc ấy vợ mình lại có thai…
Hai đứa đều im lặng. Có vẻ như chị Tràng ở trong buồng cũng đang lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Lúc ấy tôi ước gì bé Thảo khóc cho nỗi buồn bớt trào dâng, nhưng không gian thật vắng lặng. Chúng tôi như nghe rõ từng tiếng thở dài trong tâm hồn của mỗi người.
- Vô nè anh Thành ! Rồi anh về cất nhà phải này phải không ?
- Chưa, mình đi mua bán thêm một thời gian nữa… Mong kiếm thêm một chút tiền để về làm nhà cho vợ sinh nở… Lúc ấy, thiếu thốn lắm. Có những lúc không có tiền mua gạo ăn, mình tấp ghe ở bến bán hàng bông, rau quả, vớt lên những bắp cải, những trái cà chua hư người ta đổ dưới sông, lựa lại, nấu canh ăn cho đỡ đói…
- Trời ơi ! (tôi chỉ thốt lên trong lòng tôi ! Tôi cố gắng lắm để nước mắt đừng trào ra !)
Im lặng một lúc, anh tiếp:
- Vợ mình mang bầu ngày một lớn. Vừa phải sống cảnh sóng gió, lại vừa quá thiếu thốn, nên mình quyết định lên bờ. Bán ghe, vay mượn tiền anh em thêm, rồi làm cái nhà này.
Bây giờ, tôi mới để ý căn nhà. Cây, lá còn mới lắm. Lần gặp đầu tiên vì tối quá, lại đã uống nhiều rượu, nên không để ý lắm.
Đêm đã khuya, ngày mai anh Thành còn đi làm, nên tôi đề nghị nghỉ. Chai 3 xị đựng rượu cũng đã hết rồi. Nhưng anh đề nghị đi uống cà-phê.
Cơn mưa lất phất hồi chiều còn đọng lại từng vũng trên con đường loang lổ. Ánh đèn đêm phố thị soi những vệt vàng lặng lẽ trong đêm. Anh Thành đi bên tôi, anh luôn đi bước trước, anh đi rất lẹ, anh nói gì đó, tôi nghe không rõ. Tôi đang nghĩ về chiếc ghe lênh đênh trên sông nước của một thời trong đời anh. Tôi cũng đã từng như vậy. Nó mang hình ảnh của dòng đời thiên hình vạn trạng rồi biến thành không.
Tôi nâng ly cà-phê đen lên, khói thơm, thuốc thơm, nhưng lòng sao nghe buồn rười rượi. Tôi nói một câu bâng quơ:
- Thành phố giờ này mà vắng vẻ quá !
- Ừa, nó vắng vẻ từ sau năm 75. Anh Thành trả lời. Mai ở chơi, mốt về nhé !
- Thôi, ở chơi với ai ? Mai anh còn phải đi làm !
- Thì ở nhà. Ăn thua gì ! (Anh Thành ưa dùng tiếng “ăn thua gì ?”, Thí dụ: - Anh mới vừa lên em, bây giờ có công chuyện đi nữa, mệt lắm, thôi để em tính cách khác ! – Ăn thua gì !)
- Thôi, anh đi làm đi. Còn dành dụm tiền lo cho đứa bé nữa. Có gì chạy lên em nhen ! Nếu không gắp lắm thì gởi thơ báo tin. Xe về Chợ Mới mấy giờ chạy vậy anh ?
- 5g sáng. Để mai mình đưa Tiếng ra xe.
- Anh đi làm đi, có gì đâu, em biết bến xe mà !
- Ngày mai hàng về trễ lắm. Mai đưa Tiếng ra xe, uống Cà-phê rồi về cũng không muộn.
- Thật không ? Mất công anh quá.
- Ăn thua gì !
Gặp nhau, không có câu chuyện gì vui cả ! Nhưng, được chia sẻ nỗi lòng, nỗi niềm riêng, là đã vui rồi.
Buổi sáng chia tay, ngồi ở quán cà phê vỉa hè chờ xe chạy, bất chợt anh nói :
- Ê, Tiếng, hỏi thiệt nhen, còn “tu” hông ?
Tôi nhìn anh, bật cười, thấy thương anh làm sao ! Một lúc sau tôi mới trả lời:
- Còn chứ anh ! Anh không thấy em còn đang ở “dzậy” nuôi… mẹ và các em sao ?
Anh nhìn tôi lom lom, rồi cười hỏi:
- Biết rồi, biết còn ở vậy rồi, nhưng mà còn…
- Anh cứ hiểu hoàn cảnh thời bây giờ, đời tu khó khăn… đại loại là vậy!
Nhấp một chút cà phê, tôi cười lớn:
- Trời ơi, anh nói em “bê đê” sao chứ ? Anh biết em năm nay bao nhiêu tuổi chưa ? Không đi tu thì cưới vợ rồi…
Anh cũng cười, rồi nghiêm mặt lại, nói với vẻ trang trọng.
- Tiếng à, mình đã “gẫy” rồi, Tiếng cố gắng đến bến bờ nhé, để hai anh em mình có một ngày vui !
(Khi anh nói “mình đã gẫy rồi”, tôi hiểu ý anh muốn nói anh đã “ra” rồi. Bây giờ chúng ta hay nói vui là “tu xong”. Nhưng cách anh dùng từ đó, tôi thấy lạ lắm. Dường như trong anh em nhà tu mình, không ai dùng từ đó. Tôi không biết anh lấy ở đâu ra cách nói đó. Sau này, khi anh nuôi heo, anh lại dùng từ đó nữa, tôi mới biết cách nói đó là “từ chuyên môn” nghề nghiệp của vùng này. Thí dụ : đàn heo của anh lần này chết nhiều, lỗ lã, anh nói : “xui quá, năm nay nuôi heo “gẫy” hoài ! – Đàn heo kỳ này “gẫy” rồi…)
Tôi đưa mắt nhìn xa xăm, không trả lời… Chẳng dám hứa gì …
Chúa ơi, trong đại dương tăm tối hôm nay, biết bến bờ đâu mà về …
Tôi nhìn anh, cũng nghiêm túc trả lời một câu “vô thưởng vô phạt” :
- Em sẽ cố gắng…
5. TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG.
Và cứ thế, dòng đời trôi đi…
Có nhiều lần tôi thăm anh, chuyện vui buồn cùng nhau chia sẻ.
Gian khổ thì cũng đã gian khổ lắm rồi.
Nghèo thì cũng đã nghèo hết mức rồi. Còn gì phải quá lo âu nữa.
Nhưng có một điều tôi vẫn ray rứt khi nghĩ về anh lúc ấy, đó là vợ của anh là người ngoại đạo.
Sau khi ra tù, anh cực kỳ bơ vơ, gian khổ. Vợ anh là một cô gái nhỏ hơn anh 10 tuổi đã chia sẻ và nâng đỡ anh trong đoạn đường đen tối này.
Ông cố, ông sơ gì đó của chị là người Phật tử ngoan đạo, đã cất một ngôi chùa riêng để ngày đêm cúng vái. Ngôi chùa ấy bây giờ không còn hoạt động, chỉ để thờ cúng trong gia đình, dòng họ vậy thôi.
Làm sao chị có thể dễ dàng về với Công Giáo ?
Giai đoạn này, tôi không bao giờ đụng đến chuyện tôn giáo trong gia đình anh. Tôi hiểu, trong sâu xa lòng anh, còn đó nỗi đau của riêng anh.
Thời gian này, tôi vẫn ở quê nhà, làm ăn khi trồi khi sụt. Nhưng dù sao cũng khá hơn anh Thành. Ở quê mà, đói thì bắt ốc hái rau độn thêm, nấu nướng có củi vườn, nước nôi thì có sông rạch… Nhà tôi lúc ấy cũng còn mấy công đất cồn, đất ruộng, nên cũng gọi là “sống được”. Còn ở thành không tiền thì điêu đứng lắm, thiếu thốn mọi bề, rất là khó sống.
Nghĩ thế, tôi thường xuyên xuống anh hơn, miếng khi đói bằng gói khi no, chia sẻ nhau mà sống. Anh vẫn bốc vác hằng ngày, có khi kể cả Chúa Nhật. Thời gian này, trông anh rất ốm.
Tuy dù khổ, mà vẫn rất vui. Cứ thế, lâu lâu hai anh em có một ngày, đúng hơn, là một đêm tâm sự.
Năm 1993, anh Thành có thêm một đứa con gái, anh đặt tên Phương Thủy – Nguyễn Trịnh Phương Thủy. Và đó cũng là đứa con gái út.
Một ngày mùa xuân nọ, anh đến thăm tôi.
(Ảnh: ngói Âm Dương)
- Mình vừa làm xong nhà mới.
Tôi nhìn anh vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, hỏi:
- Thật hả, nhà gì ?
- Nhà ngói.
- Trời ơi ! làm gì mà mau phất lên vậy ?
- Hên vậy thôi. Chừng nào rảnh xuống chơi nhen.
- Ok. Ăn tân gia chưa.
- Chưa, chờ Tiếng xuống !
- Trời ơi ! Nhân vật quan trọng hả ? (Lúc ấy chưa nghe nói tới từ VIP = Very Important Person).
Sau mấy ngày Tết tôi xuống thăm anh, lòng phơi phới hình dung ngôi nhà mái ngói đỏ rực thay cho ngôi nhà tàn tạ.
Tôi đứng loay quay nhìn. Sao cảnh vật mau thay đổi thế. Vào con hẽm nhỏ không có căn nhà lá ngày nào. Khoảng trống cặp đường có ngôi nhà lạ “không giống ai”. Đang đứng lớ ngớ, thì nghe có tiếng gọi phía sau :
- Ê ! Tiếng ! Chờ lâu chưa ?
- Mới tới ! Nhà đâu anh ?
- Đó ?
- Anh nói nhà nào ?
- Ngay trước mắt đó. Thôi, vào nhà. Bả đi bên chị ba chút về.
- Ủa, nhà này của anh hả ? Còn nền nhà này ?
- Của bà Tràng đấy. Anh hai (anh vợ) sắp xếp chia đất lại, bả được hưởng phần đất này đó.
- Đất cặp lộ là ngon rồi. (Bây giờ là Đại lộ Hùng Vương). Nhưng căn nhà anh sao lạ thế !
Tôi bước vào nhà, nhìn lên nóc, thấy ghê quá, sợ ngói tuột xuống ! Nhà ảnh chỉ toàn là cây tràm, mà lợp ngói “âm dương”. (loại ngói xưa lắm, bây giờ chỉ còn ở Đình Chùa cổ).
Tôi ngồi uống nước, buồn cười quá ! Hóa ra anh vẫn nghèo ! Sao anh lại vui thế nhỉ ?
- Cái nhà của anh ở nước Việt Nam này chắc chỉ có một… mà không chừng cả thế giới này nữa chứ !
Anh Thành cười ha hả:
- Có cái nhà cổ, người ta đập bỏ, kêu bán ngói, bán như cho, xem như cho ông bà cụ chút trà nước. Ngói xưa tốt lắm, biết chừng nào mà hư !
- Thôi thôi, tốt cái gì, trời ơi, người ta không biết bỏ đâu, kêu anh cho đó ! Có ngày nó rớt xuống lỗ đầu đó chứ !
- Ăn thua gì !
Một lúc sau, vợ anh Thành về.
Chị ấy làm cơm, hai anh em tôi nhậu trước. Trước khi nâng ly, tôi nói :
- Hôm nay uống rượu tao phùng thôi nhen, không phải ăn tân gia của anh đâu. Cái nhà này em thấy hổng êm rồi !
Anh vẫn cười ha hả. Nhìn mái nhà rõ ràng đang quằn xuống ở giữa, trông ớn thiệt ! Đến khi chị năm đem cơm ra và cùng ăn, chị ấy nói :
- Nhiều khi mưa to gió lớn, em sợ gần chết !
Tôi vui miệng:
- Vậy mà ảnh đòi em xuống ăn tân gia đấy ! Khi đi, trong lòng vẫn thắc mắc: sao mà ảnh làm ăn gì mà phất lên nhanh thế ! Ai ngờ !
Rồi nhìn sang anh Thành, tôi lắc đầu, cười:
- Anh tính cái gì vậy ! Cái nhà ngói của anh thiệt là … dễ sợ !
Rồi cả nhà cùng cười !
Thời gian trôi qua, đến một ngày kia…
Cha GB. Phạm Minh Mẫn ở Giáo phận Cần Thơ, là thầy tôi thời Tiểu Chủng Viện Cái Răng, về làm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho, trong một chuyến về thăm các họ đạo Đồng Tháp, tôi đến thăm ngài, ngài bảo tôi đi phải giúp xứ, ở quê nhà hoài không có tương lai.
Từ đó, năm 1994, sau khi đã cưới vợ cho đứa em trai thứ tư, tôi rời quê nhà, đi giúp xứ lần lượt qua các họ đạo ở Đồng Tháp: Họ Tràm Chim (Thiên Phước), Cà Giăm (Thánh Tâm), Trà Đư, Bãi Chàm, đặc trách giáo điểm Cả Nổ.
Từ khi giúp xứ, tôi bớt đi thăm anh Thành, ngược lại, anh Thành đi thăm tôi nhiều hơn, nơi nào tôi ở anh Thành cũng có lần đến. Gót chân anh hằn lên mọi nẻo đường tôi đã bước qua. Khi nào thuận tiện, tôi về Sa-đéc thăm anh.
Thời ấy, tôi rất siêng viết nhật ký, nhưng đời phiêu bạt, bây giờ, mấy cuốn nhật ký có cuốn thì còn, có cuốn lạc mất, có cuốn bị … mối ăn.
Bây giờ mất anh rồi, tôi lần giở những đoạn nhật ký tìm lại dấu vết anh, tìm lại những dòng chữ lưu lại những kỷ niệm về anh, tôi đọc ngấu nghiến. Những đoạn nhật ký nào viết về anh bị rách mất, tôi tiếc làm sao !
Ôi, đọc lại những trang nhật ký ngọt ngào về anh, mà lòng đau như cắt !
(Còn tiếp).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng