TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (3)
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ tư, 25 Tháng 2 2015 05:53
- Lượt xem: 2198
TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (3)
Hồi ký
[Khi tìm lại những quyển nhật ký đã xếp vào xó kẹt như muốn chôn vùi quá khứ một nửa đời người đầy nước mắt mang “nửa hồn thương đau”, tôi nhớ ra rằng thời gian 12 năm ở tù của anh không liên tục. Đợt đầu tiên anh ở tù là 9 năm, và đợt sau anh ở tù là 3 năm. Tôi còn nhớ anh thường nói : “Khi người ta kỷ niệm 10 năm thành công, thì mình kỷ niệm 9 năm thất bại !”. Có lẽ anh ở tù đợt sau thêm 3 năm nữa, khi anh vượt biên một lần nữa không thành công....]
(Ảnh cũ, không còn nhớ năm nào)
6. NGÀY VUI NGẮN CHẲNG TÀY GANG (ND).
Khi tìm lại những quyển nhật ký đã xếp vào xó kẹt như muốn chôn vùi quá khứ một nửa đời người đầy nước mắt mang “nửa hồn thương đau”, tôi nhớ ra rằng thời gian 12 năm ở tù của anh không liên tục. Đợt đầu tiên anh ở tù là 9 năm, và đợt sau anh ở tù là 3 năm. Tôi còn nhớ anh thường nói : “Khi người ta kỷ niệm 10 năm thành công, thì mình kỷ niệm 9 năm thất bại !”. Có lẽ anh ở tù đợt sau thêm 3 năm nữa, khi anh vượt biên một lần nữa không thành công.
Tôi đã có ý định muốn viết hồi ký về tình bạn của tôi với anh Thành để “coi chơi cho vui”, đồng thời, một cách nào đó, để “đề cao vẻ đẹp của Tình Bạn”, mà trang web canhdongtruyengiao.net này luôn nhắm tới. Lúc ấy, tôi sẽ hỏi anh Thành cặn kẽ về những gì có thể viết lên để chia sẻ với bạn bè. Và hồi ký ấy sẽ có những thông tin chính xác do chính anh Thành kể ra. Tôi sẽ đặt tên cho hồi ký này là “Một tình bạn”. Nhưng, Trời ơi, cái tựa ấy hôm nay phải thay đổi với một hàng chữ đầy đau đớn : “Tôi mất một người bạn”.
Hồi ký này, hôm nay được viết bằng trí nhớ, bên những quyển nhật ký cũ kỹ úa vàng, cùng với nỗi buồn miên man cùng tận khóc cho một tình bạn vừa lịm tắt. Xin lỗi bạn bè anh Thành và các bạn đọc, về những điều không rõ ràng, hoặc thiếu chính xác, trong những dòng chữ nhuộm đầy nước mắt hôm nay !
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” (HMT).
Thôi thì, cứ để cuộc đời anh có những mảng tối mờ ảo đầy huyền thoại trong trái tim của bạn bè và những người quen biết anh vậy !]
(Anh Thành trong ngôi nhà hiện nay của anh.)
Sau khi chị Thành được chia đất và có giấy chủ quyền riêng, anh Thành sửa lại nhà bằng cây tràm, lợp ngói âm dương, nhưng nhà đó chỉ vài năm, mái ngói quá nặng, quằn xuống, muốn sập, anh đã làm nhà khác.
Lần này, anh Thành đem “giấy chủ quyền nhà đất” thế chấp ở ngân hàng để vay tiền ngân hàng. Cùng với tiền dành dụm được, anh Thành làm nhà mới và xây chuồng nuôi heo với qui mô vài chục con một lứa.
Tất nhiên, anh bỏ nghề bốc vác, vì nếu bốc vác, thì không thể chăm sóc đàn heo được.
Anh tâm sự: “Nhiều khi rất mệt, đói, mình vẫn phải cố bốc vác. Về ăn cơm qua loa, ngày hôm sau không đủ sức làm, cứ thế, ngày này qua ngày kia, mình không còn sức nữa”.
Vợ anh Thành, tên Trịnh Thái Thọ Tràng, từng là một nữ sinh lớp 12, khôn ngoan và kim chỉ. Chị rất quan tâm đến anh Thành. Thật là buồn cười khi có “tin đồn” anh Thành lấy một bà ni-cô ở chùa. Khi hỏi : “Anh có nghe tin đồn đó không ?”. Anh cười hề hà, gật đầu lia lịa : “Có ! Có !”.
Chị ấy có lần tâm sự với tôi : “Ảnh trải qua quá nhiều gian khổ, bây giờ đuối sức rồi, em không muốn ảnh đi bốc vác nữa”.
Anh xây một ngôi nhà mới, rộng 5m, dài khoảng 16 m, có phòng tắm và nhà vệ sinh phía sau, có căn gác bằng gỗ, nhìn chung khá khang trang và tiện nghi sánh với mức sống người dân trung bình.
Khi xây xong ngôi nhà mới, tôi không nhớ rõ năm nào, có thể nói đây là giai đoạn anh sống tuy có bận rộn, nhưng làm những công việc nhẹ nhàng nhất đối với anh.
Hằng ngày anh chăm sóc đàn heo, công việc nặng nhất, chỉ là đi lấy đồ cặn (“đồ cặn”: từ này dùng để chỉ “cơm thừa canh cặn” ở quán hay ở những nhà quen) đem về, pha thêm thức ăn cho heo như tấm, cám.
“Đồ cặn” thường là người ta cho, anh mua xà bông hay nước rửa chén tặng lại người ta, xem như chuyện lễ nghĩa. Sau này, nhiều người nuôi heo, người ta “dành mối” nơi cho bằng cách tặng quà cho chủ nhiều hơn, anh mất mối, hoặc cũng phải tăng phần quà của mình lên, nhất là ở những quán ăn, nên việc nuôi heo cũng không còn lời như trước, dần dần anh bỏ nghề nuôi heo luôn.
Tôi nhớ rất rõ hình ảnh anh hai tay xách hai cái thùng đầy đồ cặn, loại thùng sơn B lớn, đi bay bay, miệng cười hớn hỡ khi thấy tôi đứng đón ở cửa nhà của anh chờ anh về. Nếu vắng anh, vợ anh đi lấy đồ cặn, chị phải máng hai cái thùng vào hai bên ghi-đông (guidon) xe đạp, dẫn về, và chỉ chở mỗi bên nửa thùng thôi, vì nếu đầy thùng chị dẫn không nổi !
Cuộc sống cũng chưa phải là giàu có, vì tiền lời ngân hàng anh phải trả để giảm bớt tiền lãi chồng chất. Hai vợ chồng anh cố gắng chắt chiu để xén bớt tiền “gốc” vay ngân hàng (nhờ thế chấp giấy chủ quyền). Tuy còn đó nợ nần, nhưng “làm ăn được”, có đồng ra đồng vào, bầu khí gia đình nhẹ thở hơn xưa. Hạnh phúc càng xanh màu hơn khi hai đứa con gái lớn lên, tiếng cười nói trong gia đình rộn rã.
Cao điểm hạnh phúc của gia đình anh, có lẽ là khoảng thời gian này, đó là những năm cuối cùng của thế kỷ XX (1996 – 2000).
Trong khi anh vươn lên, thì tôi tuột xuống ! Mà chủ yếu là tuột “tinh thần” !
Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường giúp xứ. Khó khăn đến từ mọi mặt đạo đời. Nhưng tôi cố gắng hết sức để thuyền đời không đổi hướng. Những lúc buồn nhất, tôi xuống anh Thành. Anh Thành hiểu tôi và tôi hiểu anh ấy. Tôi nhận thấy anh khuyên tôi rất thật lòng. Con nhà võ như anh không có lời ngon ngọt văn hoa dài dòng. Lần khuyên nào gần như cũng chỉ có một nội dung. Nội dung thì gần như chỉ có một câu: “Tiếng à, mình đã “gẫy” rồi, Tiếng cố gắng đến bến bờ nhé, để hai anh em mình có một ngày vui !”.
Chị Thành nhiều lần nói vui với tôi : “Coi vậy chớ, ổng có nhiều bà bu theo lắm đó !”. Tôi nghĩ bụng: “quý bà quý cô mà không bu ảnh mới là lạ !” Tôi cũng biết được vài phụ nữ nói chuyện thường nhắc đến ảnh. Họ thích anh Thành vì vui tính và vô tư, cả cái máu khí phách ngang tàng con nhà võ của ảnh, còn lời ngon ngọt đường mật thì ảnh không có.
Làm thầy giúp xứ tiền bạc mà có đủ xài vặt thì quý rồi. Cần mua sắm cái gì lớn lao một chút là phải về nhà kiếm tiền thêm.
Năm 1997, Đức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam quyết định sai tôi về giáo xứ Bãi Chàm, và Ngài bảo tôi đặc trách giáo điểm Cả Nổ.
Giáo điểm Cả Nổ cách giáo xứ Bãi Chàm khoảng 8 km, lúc bấy giờ chưa có đường xe, nơi đây còn rất hoang vắng và buồn tẻ.
Một ngày nọ, thấy mình quá mệt mỏi, tôi đi Sài Gòn khám bệnh. Tôi đến nhà anh Thành nghỉ một đêm, để sáng hôm sau sẽ đi Sài Gòn sớm.
Hôm ấy, tôi cho anh Thành hay về quyết định của Đức Cha An-rê. Tôi tâm sự với anh:
- Chừng vài tháng nữa, em xuống đây, anh đi Sài Gòn với em nhé.
- Chi vậy ? Có gì hông ?
- Em muốn anh đi chơi với em thôi. Chị năm lấy đồ cặn buổi sáng. Em xuống bữa trước, rồi mình đi sớm và về sớm. Em thấy chị năm đi lấy cặn nặng nhọc lắm đó.
- Ừa, nhưng có gì hông ? (Từ trước tới giờ tôi chưa lần nào rủ anh Thành đi chơi).
- Cũng có chút việc, không quan trọng lắm, nhưng cũng cần lắm. Đức Cha An-rê giao em đặc trách giáo điểm Cả Nổ. Em muốn mua một cây đàn organ cũ (second-hand) để dành tập hát, nếu thấy em nào được thì dạy đàn cho nó, để khi Cha sở vào làm lễ, có hát hò cho trọng thể.
- Sao phải chờ vài tháng nữa ?
- Em chưa có tiền. Vài tháng nữa ở nhà thu hoạch rẫy (hoa màu trồng ở đất cồn), mới có đủ tiền.
- Thôi, mai mình mua luôn. Tràng ơi…
Chị Tràng ở tuốt phía sau không nghe anh gọi. Tôi ngăn :
- Chưa cần đâu anh. Chuyện này tiện thì mua, không tiện thì thôi, đâu phải gấp gì !
- Nhưng mình có tiền đây rồi. Ừ, mà chừng bao nhiêu há ?
- Em cũng không biết, nhưng ít gì cũng trên dưới một triệu.
- Đừng lo lắng gì. Mình vừa ra lứa heo (“ra” là bán), sắp ra lứa nữa. Đợt này hên, ăn trót lọt, không "gẫy" lứa nào !
- Khi “lên” thì phải chuẩn bị lúc “xuống” đấy ! Anh lo dành dụm cắt bớt tiền gốc ngân hàng đi !
- Ăn thua gì ! Tiền để đó rồi cũng hết. Ngày mai mình đi với Tiếng luôn.
- Thôi, tiền bạc tế nhị lắm anh ! Còn chị năm nữa !
- Không sao đâu. Bả thương Tiếng lắm đó. Thấy Tiếng lâu xuống là bả nhắc hoài.
- Anh đừng có đặt chuyện nhen !
Thật sự anh Thành không biết nói dóc, nhiều khi nhờ ảnh dấu chuyện gì, ảnh nói một hồi là "bể" hết trơn ! Nên có lần ảnh tính chuyện mua bán, một phụ nữ đã nói : "Ảnh thật thà quá mà mua bán gì !".
Nếu ảnh có nói dóc, là những trường hợp như ảnh muốn dấu chuyện gì đó mà ảnh lo ngại sẽ làm người thân lo lắng : “Lúc này anh sống thế nào rồi, anh Thành ?” – “Khỏe re !”. Nhưng lúc đó anh đang nghèo “cháy túi !”; Một lần nói chuyện qua điện thoại :“Anh khỏe hông ?” – “Khỏe re !”. - “Sao nghe anh nói chuyện nghẹt nghẹt thế ?”. “Ừa… cảm chút đỉnh vậy mà, hết rồi !”. Nhưng người nhà cho biết anh đã “bỏ ăn” mấy bữa rồi !
Anh hối thúc :
- Được mà ! Mai đi mua luôn ! Lo lắng gì, khỏe re !
Không cản ảnh được, thế là chuyến đi ấy tôi mua cây đờn Organ cũ Pss 390 với giá 1.190.000 đ (vàng lúc đó là 500.000 đ/chỉ) bằng tiền anh Thành. Tuy lòng tôi nghĩ sẽ tìm cách trả lại ảnh, nhưng vẫn cảm động làm sao !
Khi trở về, tôi ở lại thêm ngày đó. Đêm ấy, tôi đem đàn ra đàn, anh chị Thành ngồi trước mặt, bé Thủy còn nhỏ ngồi trong lòng mẹ, bé Thảo đã 8 tuổi đeo sát bên tôi nhìn tôi đàn rồi hỏi đủ thứ. Thỉnh thoảng cô bé lấy tay gõ vào phím đàn, bị mẹ la, tôi bênh nó, bảo : “Kệ nó, chị. Không sao đâu !”
Ôi, hạnh phúc làm sao ! Cảnh gia đình anh Thành êm ấm, tôi chợt có ý tưởng mình như anh chàng nghệ sĩ quèn trời xui khiến đến đây giúp một đêm vui hạnh phúc cho gia đình anh ! Hạnh phúc quá giản dị như thế này mà trải qua biết bao nhiêu nước mắt khổ đau mới có được hôm nay.
Chợt lóe lên trong tôi một dòng nhạc lạ. Tôi lấy giấy viết ghi vội, về nhà, từ hình ảnh đêm vui hiếm hoi đó, tôi đặt lời làm một bản nhạc kỷ niệm, dù chị Tràng chưa cùng niềm tin với anh, nhưng chắc thế nào rồi cũng sẽ có ngày đó. Trăm đắng ngàn cay đến như thế, mà anh chị Thành vẫn bền chặt bên nhau, đó không phải là “hai tấm lòng vàng” của “Tình Bạn Trăm Năm” đó sao ? Bản tình ca dâng Chúa mang tên “Trăm năm mãi còn nhau” sau đó đi vào quên lãng, khi đại dương cuộc đời vẫn không ngừng sóng gió… Cây đàn năm xưa không còn nữa, nhưng bản nhạc kỷ niệm từ cây đàn đó thì vẫn còn đây. Cả hai phần mộ nằm gần nhau là một chuyện tình tuy lắm gian khổ, nhưng trong niềm tin, vẫn là một chuyện tình có hậu, khi bóng Thánh Giá đều phủ lên hai phần mộ của cả hai người.
Chúa Nhật, ngày 17.07.1998, tôi có tên trong danh sách “Lời rao phong chức linh mục”. Nhưng sau đó, tôi bị loại ra.
Ít ngày sau, hai vị linh mục cùng quê đến thăm tôi, một trong hai vị linh mục ấy bảo:
- Thầy hãy bình tĩnh để nghe tôi nói chuyện này.
- Chuyện gì vậy, Cha ?
- Mà thầy phải bình tĩnh mới được nha !
- Năm nay con cũng “già” rồi, non trẻ gì nữa mà không bình tĩnh, Cha cứ nói đi.
- “Ban Tôn Giáo nhờ nhắn cho thầy biết, hồ sơ của thầy đã xếp lại vĩnh viễn, từ đây không có bàn gì đến chuyện phong chức linh mục cho thầy nữa. Họ còn nói tiếp: nếu thầy có ý tu “làm thầy” như vậy cũng được, thì cứ tiếp tục tu, còn nếu nuôi mộng làm linh mục, thì nên về nhà đi, sợ kéo dài hoài rồi lớn tuổi, muốn về lập gia đình thì đã muộn rồi, tội nghiệp ổng”.
Hơi bất ngờ, tôi im lặng một lúc, rồi trả lời :
- Con cám ơn Cha. Nếu Cha có dịp gặp họ, con nhờ Cha chuyển lời cám ơn họ quan tâm lo lắng cho con. Và Cha nhớ nói rằng, sau khi nghe Cha báo tin như vậy, con đã trả lời rằng : “Trên cuộc đời này, không có gì là vĩnh viễn”.
Tuy thế, đêm ấy, tôi rất buồn. Nước mắt tôi trào ra ướt gối. Tôi nhớ Ba tôi, khi còn sống Ba tôi thường hay nói với chòm xóm, chòm xóm học lại tôi nghe: “Cho tôi thấy được thằng Tiếng con tôi làm một Thánh Lễ thôi, rồi chết cũng được”. Ước mơ đó của Ba tôi không thành sự thật. Rồi, tôi nhớ mẹ tôi ! Tôi lặng lẽ khóc trong đêm ! Ban ngày tôi tươi cười để mọi người thấy tôi có nghị lực, tôi nói chuyện về tương lai rất quyết tâm, nhưng ban đêm lòng tôi mền yếu, tôi thấy mình rã rời, tôi muốn bỏ cuộc… Tôi hình dung mẹ tôi sẽ rất buồn… tôi thấy mình lảo đảo, chới với…
Tôi xuống anh Thành…
Ngồi vào bàn, tôi nâng lên ly rượu, tìm lời lẽ nào dễ chịu nhất để nói với anh bản tin quan trọng hôm nay. Tôi nhớ lại lời vị linh mục đàn anh đã giáo đầu trước khi báo tin : “Thầy hãy bình tĩnh để nghe…”.
- Anh Thành, em muốn nói với anh một chuyện quan trọng…
Tôi kể lại bản tin mà tôi vừa nhận được, rồi tôi chậm rãi kết luận:
- Hồ sơ đã xếp lại vĩnh viễn… Chắc em sẽ “gẫy” quá !
Anh Thành khóc. Anh khóc sướt mướt như trẻ con. Tôi thật bất ngờ khi thấy anh khóc. Trước đó tôi tưởng anh sẽ khuyên tôi điều này điều nọ, nhưng tôi quên mất, anh chẳng có lời lẽ gì nhiều đâu. Anh sống rất thật. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh khóc. Tôi và anh cả hai đều khóc, đều im lặng. Để cho nước mắt rơi một hồi lâu, tôi nhìn anh. Nước mắt anh vẫn còn lăn lăn trên đôi má. Thật thú vị khi nhìn chàng võ sĩ khóc ! Tôi lấy ly rượu đưa anh, rồi cầm lên ly rượu của mình, tôi cụng ly với anh, và nói:
- Uống đi anh. Đời không có gì là vĩnh viễn.
(Còn tiếp).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng