NGƯỜI PHỤ NỮ TẬT NGUYỀN ĐI LỄ.
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Chủ nhật, 10 Tháng 5 2015 19:52
- Lượt xem: 2109
NGƯỜI PHỤ NỮ TẬT NGUYỀN ĐI LỄ
Nắng Hồng
Tôi bắt gặp hình ảnh của một người phụ nữ. Trong một thánh lễ chiều Chúa Nhật, khi ca đoàn hát hết bài thánh ca cuối cùng để kết thúc thánh lễ, tôi tranh thủ bước thật nhanh ra cửa Nhà thờ, nhưng khi đến ngưỡng cửa thì tôi đột ngột dừng lại...
NGƯỜI PHỤ NỮ TẬT NGUYỀN ĐI LỄ
Nắng Hồng
(Ảnh chỉ có tính minh họa)
Tôi bắt gặp hình ảnh của một người phụ nữ. Trong một thánh lễ chiều Chúa Nhật, khi ca đoàn hát hết bài thánh ca cuối cùng để kết thúc thánh lễ, tôi tranh thủ bước thật nhanh ra cửa Nhà thờ, nhưng khi đến ngưỡng cửa thì tôi đột ngột dừng lại. Vì tôi bị thu hút bởi một người phụ nữ có đôi chân tật nguyền, mỗi khi di chuyển phải dựa vào người khác. Cô ấy muốn bước ra khỏi của nhà thờ thì phải cầu xin một ai đó để được đi nhờ. Tôi quay đầu lại và rảo bước theo cô ấy. Mỗi bước đi là chị ta phải vật lộn với bản thân mình, đôi chân của chị co rút lại, mỗi khi bàn chân giơ lên cao để tạo thế cho bước đi. Mỗi khi muốn bước tiếp thì phải uốn cả thân hình. Sau đó phải vặn mình làm lệch đi hàng cút áo, kéo se thịt vải của chiếc áo sơ mi, cùng với một chiếc quần tây bản rộng, được thiết kế đặc biệt cho đôi chân của chị. Mỗi khi di chuyển đôi tay của chị phải vịn vào từng chiếc ghế, tạo điểm tựa để cho đôi chân có thể bước đi dễ dàng.
Trước hoàn cảnh đó, tôi cũng không hiểu vì sao mình lại không giúp chị ta nữa. Có lẽ tôi nghĩ là có một người khác giúp chị chăng? Hay tôi sợ mất thời gian, hay vì tôi ngại đi chung với chị ấy mọi người lại bảo là "đồ đạo đức giả". Trong lúc tôi đang phân vân lưỡng lự, thì đột nhiên giật cả mình bởi thiếm Năm vỗ vai tôi thật mạnh và bảo:
-Sao mầy không lại dắt người ta đi?
Tôi chột dạ nhìn thiếm với ánh mắt phân trần, rồi quay sang người phụ nữ ấy thì đã có một cô gái giúp chị ta rồi. Tôi đáp:
-Dạ, chắc chị ta có chị em đi theo giúp rồi thiếm ơi, mình vô cũng thừa. Rồi tôi cũng hỏi lại thiếm:
-Rồi sao hồi nảy thiếm hổng dắt chị ấy vậy?
Thím nhìn tôi có vẻ hơi lúng túng:
Ờ...ờ thì tao đang có công chuyện phải về gấp mà, với lại cũng đâu có thuận đường. Câu trả lời có vẻ hơi ngượng, hình như thiếm đang cố lái sang vấn đề khác thì phải, thiếm rủ tôi:
-Hai dì cháu mình về chung nhen!
-Dạ!
Nhưng khi đi đến cổng trước nhà thờ tôi bắt gặp cô gái ấy lại trao người phụ nữ khuyết tật cho một người đàn ông trung niên khác. Tôi tò mò rồi quay sang nhìn thiếm:
-Con còn có công chuyện nữa, thiếm về trước đi, chút con về sau.
-Ờ, vậy thiếm về trước đừng về trễ quá nghe.
Thiếm tôi bước ra khỏi cổng còn tôi thì cứ theo đôi vợ chồng ấy. Người chồng của chị ta chỉ đứng trước cửa mà đợi, chứ không trực tiếp vào dắt cô đi ra (thấy cũng không tha thiết gì lắm). Có khi bỏ mặt chị ấy bon chen giữa đám đông anh ta đi thì cứ đi còn chị ấy phải cố tranh thủ đi theo để vịn vào tay anh ta. Sau đó, hai người đến bãi đậu xe, người chồng vào dắt xe còn chị ta cứ ngồi quỵ xuống bên vệ đường để chờ chồng. Tôi lấy làm lạ là hai người chẳng nói với nhau tiếng nào, chẳng thấy người chồng hỏi han vợ câu nào cả! Khi người chồng dắt xe ra, chị ta từ từ đứng dậy, chị phải dùng đôi tay gầy cồm của mình chống xuống đất sau đó dùng sức mà bật lên mới có thể đứng dậy được. Người chồng cứ bình thản lên xe trước, còn người vợ ngồi phía sau có lên được hay không, lên bằng cách nào thì cũng mặc. Sau đó, hai người chạy xe ra khỏi cổng. Trong tôi gợi lên một nỗi niềm thương cảm cho người phụ nữ ấy và tôi thiết nghĩ: nếu Chúa hoán đổi tôi thành chị ấy thì sao? Liệu người yêu của tôi, người mà bảo rằng yêu tôi thật nhiều, có thể hy sinh tất cả vì tôi? Người mà khẳng định rằng cho tôi tất cả trái tim và những gì người ấy có có còn yêu tôi nữa hay không? Tôi nghĩ là kể cả đi chung anh ta cũng chả thèm, chứ nói gì đến chuyện yêu với thương! Vậy mà tôi còn khờ dại lao theo thứ tình yêu hời hợt và chỉ có cái vỏ bọc ấy.
Tôi ngồi xuống ghế đá gần đấy (chỗ bãi đỗ xe) trong chiếc áo dài trắng thật đẹp, im lặng một lúc. Tôi đợi vãn đám đông sau đó mới ra về để khỏi bị kẹt xe, sẵn tiện để quan sát cặp vợ chồng ấy. Hình ảnh người vợ tật nguyền ngồi bên vệ đường chờ chồng làm tôi nhớ mãi, chị ta thật đáng thương. Có cả khối người ở đấy ai ai cũng ăn mặc sang trọng, thanh lịch, mà có ai để ý, nhìn thấy chị đâu, thậm chí có người còn lái xe muốn va vào chị ta nữa. Không ai biết là chị cô đơn và lẻ loi như thế nào khi là một con người khiếm khuyết. Và tôi cảm nhận được rằng chị đang thèm một chút sự quan tâm, một chút cái hỏi han của một ai đó, đối với chị quả là một món quà xa xỉ. Còn riêng tôi mang danh là người công giáo (con của Chúa) vậy mà tôi quá vô tâm đối với tha nhân (Bằng chứng là tôi cảm thấy ngại và mất thời gian khi giúp đỡ những người cùng cực). Trên đường trở về lòng tôi nặng trĩu. Tôi giằng xé trong lòng và trách vấn lương tâm. Tại sao tôi lạ cảm thấy xấu hổ vì giúp một người khuyết tật chứ? Thiên Chúa ban cho mình một con người lành lặn, vậy tại sao lại không dùng những thứ mình có để giúp đỡ và làm vơi đi nổi đau khổ của người khác? Rồi tôi quay sang cười chính bản thân mình. Có lúc tôi mặc cảm vì vẻ ngoài của tôi không như ý muốn! Bạn bè chỉ lấy khuyết điểm (chứ đâu phải khuyết tật) ra trêu chọc. Vậy mà tôi buồn mấy ngày liền, giận dữ và không học hành gì được luôn! Thật đáng buồn cười! Bây giờ tôi mới biết rằng mình thật sự rất hạnh phúc. Thiên Chúa đã ưu đãi mình lắm rồi. Tôi có cả tứ chi lành lặn, một cơ thể khoẻ mạnh, một khối óc, một mái gia đình, rồi những cơ hội, hoàn cảnh...Đó là gia tài đồ sộ (là những nén bạc) mà Thiên Chúa trao cho tôi. Tuy có nhiều điều chưa hoàn hảo lắm, nhưng như vậy đã là quá đủ rồi! Và tôi nhận ra rằng xung quanh mình còn có rất nhiều người đang thiếu thốn và cần sự giúp đỡ. Điều ta nên làm bây giờ là ta hãy học cách cho đi ngay cả khi đó chỉ là một nụ cười. Cho đi không phải vì bạn quá nhiều, mà vì bạn biết rằng có quá nhiều người cảm thấy họ dường như không có gì cả.