You are here:

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (1)

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (1)

Hồi ký

Những dòng hồi ký này đã được đăng trên canhdongtruyengiao.net. Nay xin đăng lại trên thegioiriengtu.com, nơi gặp gỡ của các bạn trẻ, nhân dịp Lễ Giỗ năm thứ 3 của anh GB. Nguyễn Tấn Thành, mà bạn bè và những người thân thường gọi Thành Võ. Những dòng hồi ký đượm nét buồn kể lại câu chuyện của hai số phận rất khác nhau, nhưng nỗi buồn khó phai mờ này, sẽ giúp cho bạn trẻ nhận ra và ghi khắc vào lòng một trong những điều cao quý nhất của cuộc sống này, đó là Tình Bạn.

Mời bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ, theo dõi.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

(Hình ảnh cũ, không nhớ năm nào.)
 

Anh Thành Thân mến !

Từ nhà anh, em đã trở về nơi em đang phục vụ, sau khi đã dọn xong “gường chiếu” cho anh một giấc ngủ dài lâu !

Đêm nay, trong miền quê vắng lặng này, em cố xua đuổi những hình ảnh chập chờn ám ảnh đầy tang tóc về anh, để tìm lại những hình ảnh trong sáng của những ngày anh hiện diện nơi đây bằng xương bằng thịt, bằng tiếng nói và giọng cười vang vang thật vô tư…

Anh nhớ không ? Đã nhiều lần, em muốn viết về tình bạn của em và anh - GB. Nguyễn Tấn Thành - mà bạn bè và những người quen biết anh, đều thích gọi tên anh là “Thành Võ”, cái tên thân thương  nói lên đầy đủ tính cách của anh - nhưng không hiểu vì sao em cứ lần lựa mãi, cho đến hôm nay, anh đột ngột ra đi, em buồn và hối hận kinh khủng.

Chắc anh còn nhớ, có lần em  hỏi  anh :

- “Nếu em viết về anh, có đôi điều anh quá “tệ”, anh chịu cho em đăng lên web không ?

Anh cười hề hà, bảo:

- Vậy mới hấp dẫn chứ !

- Em sẽ cho anh đọc bản thảo đề “kiểm duyệt” trước khi đăng nhé !

- Thôi, cần gì !

Buồn làm sao ! Bây giờ viết lên đây, không còn có anh đọc nữa ! Nên không có người làm chứng rằng những điều được viết lên đây là hoàn toàn sự thật !

Nhưng, anh Thành mến, em vẫn viết ! Ở bên kia nơi Cõi Vĩnh Hằng, em tin rằng anh sẽ đọc. Bạn bè thân thương của anh, hiểu biết tính cách của anh, sẽ tin rằng em viết thật, mọi người  thế nào cũng thốt lên câu : “Vậy mới là Thành Võ”. Chắc anh đã nhìn lại một chuyến đi anh vừa kết thúc, nhìn lại “sau một lần anh đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này”, một cuộc vui chơi, đong đầy nước mắt !

Em chỉ viết những gì kỷ niệm giữa anh em mình – giữa tình bạn của chúng ta. Nhiều bạn bè của anh đã lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về anh, tuy chưa có dịp nói ra, nhưng nó vẫn sống còn trong con tim của tình bạn cao quý muôn thuở.

Từ nhà anh trở về, em mệt rã rời, em nằm xuống trên chiếc giường dành cho riêng anh mỗi khi anh đến. Năm mười phút sau, em treo ảnh của anh lên trong phòng khách của em. Em vừa pha ly cà phê đen cho chính mình ở bàn cà phê anh từng đứng pha để hai anh em mình cùng uống. Em ngồi vào bàn vi tính nơi anh từng ngồi đây để xem bản tin về anh mà mấy hôm nay bận rộn cho chuyến đi của anh, nên chưa có giờ xem… chợt nhớ khi anh học đánh vi tính, đầu ngón tay “con nhà võ” của anh to quá, đánh vào bàn phím cứ dính hai mẫu tự cùng một lúc hoài, anh bực bội nói : “Học võ dễ hơn học đánh vi tính”….
 


 

Trời ơi ! Sao cái gì cũng nhớ đến anh thế nhỉ !?

Đêm đã khuya lắm rồi, gió thoảng đưa hơi sương vào phòng lành lạnh.

Nếu có anh ở đây, em sẽ bảo:

- Gần nửa đêm rồi đấy, anh ngủ chưa, em đi ngủ trước nhé !

Anh sẽ trả lời – gần như lúc nào cũng thế:

- Ừa, mình xem phim thêm một chút. Mình đang theo dõi phim này. Nó đánh nhau dữ lắm !

Lúc ấy, em thường lắc đầu,  bụng bảo dạ:

- Đúng là con nhà võ chánh hiệu !

 

1. BẮT ĐẦU MỘT TÌNH BẠN.

Anh Thành và tôi cách nhau 5 tuổi, số tuổi còn nằm trong khoảng cách lý tưởng của “bạn trăm năm”, chứ không phải là bạn cùng “trang lứa”.

Chỉ vào niên khóa 1973-1974, là khoảng thời gian chúng tôi thường xuyên gặp nhau nhiều nhất. Lúc ấy tôi học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, còn anh giúp giáo xứ Tân Long, cha sở là Gioan Trần Quang Thiện, cùng quê giáo xứ Bến Siêu với tôi, cũng là một người cậu bà con.

Lúc ấy, mỗi lần tôi về quê, là “hú” anh sang chơi. Nhà tôi ở cách xa lộ làng, chỉ có đường mòn xuyên qua xóm nghèo lưa thưa chừng trên 10 gia đình. Phía sau là cánh đồng, những mái nhà trong xóm chen lẫn trong khoảng đất vườn rộng mênh mông với những cây hoang dã. Nơi đây rất vắng lặng, không có điện, nước thì lấy từ kênh. rạch, hầm, ao. Xung quanh nhà là cây xanh phủ bóng mát rượi suốt ngày, tiếng chim hót quanh năm suốt tháng. Mưa xuống nước tràn đầy hầm là ếch, nhái, ễnh ương, côn trùng đồng thanh kêu inh ỏi. Anh Thành rất thích, anh thường nói : “Ở đây ra sau hè luyện võ thì quá êm !”. Tôi nói: “Còn một điều nữa chứ”. “Điều gì ?”. “Qua sau hè, kê chõng tre, ngồi nhâm nhi, hưởng ngọn gió đồng nội, cũng “đã” chứ ?”. Chúng tôi đã làm như vậy.

Ba mẹ tôi rất quý mến anh Thành. Có một lần sau vài tuần rượu, ba tôi bảo : “Thầy đi vài đường võ coi chơi, thầy !”. Nhà tôi là nhà cây, sàn gỗ, lót ván. Ông ngoại tôi nằm trong phòng nhỏ ở một góc nhà. Bài quyền của anh Thành làm rung rinh cả nhà. Ngoại tôi vén rèm vải bước ra, chạy vội lại ôm anh Thành, nói lớn: “Thầy, chuyện đâu còn có đó, thầy bớt nóng, thủng thẳng nói, thầy ơi !”. Mẹ tôi cười quá sức : “Cha ! Thầy đang đánh võ mà, cha !”. Anh Thành ôm ngoại tôi, cười to tiếng : “Tụi con vui chơi, không có gì đâu bác !”. Cả nhà cười ầm. Ngoại tôi cũng cười. Buổi biểu diễn võ thuật đành dừng lại, không phải vì anh Thành “mất hứng”, mà vì sợ… sập nhà !

Từ đó tình bạn lớn dần… bình an và đầm ấm. Cho đến một ngày kia…

2. TAN RÃ

Tôi vào Đại Chủng Viện Vĩnh Long vào năm 1974, niên khóa cuối cùng. Rồi  30.04.1975 đến, tất cả đều đổi thay. 

Tôi trở về Cần Thơ vào họ đạo Cờ Đỏ, một họ đạo bé nhỏ cùng với nhiều anh em khác, sáu tháng về Chủng Viện Cái Răng học tiếp chương trình Đại Chủng Viện, và sáu tháng “lao động”. Lý tưởng linh mục “xa mờ xa” cùng với biết bao cay đắng thăng trầm… Tin tức anh em không còn liên lạc được. Chỉ nghe thoang thoáng là anh Thành đã ở tù vì tội “vượt biên”.

Không có ngôn ngữ nào để diễn tả chính xác tâm trạng của tôi và bạn bè chung chí hướng thời điểm đó, ngoài một dấu chấm than (!).

Năm 1980, tôi quay về quê nhà, vẫn nghe anh Thành còn ở tù và biệt mù tin tức.

Sau này, nghe anh nói, sau 1975, anh ở tù 12 năm. Không biết sau năm 1975 bao lâu thì anh ở tù, nếu cứ tính ngay từ năm 1975, thì anh ra tù năm 1987.

Tôi bỏ phần đất cũ, nơi chất chứa nhiều kỷ niệm tuổi thơ và những kỷ niệm đẹp đối với anh Thành để về nơi ở mới vì lý do kinh tế. 

Năm 1988, ba tôi mất, sau đó, gia đình lâm vào cuộc sống cực kỳ gian khổ, thiếu thốn mọi bề. Đất vườn, đất nền nhà cũ, đất ruộng bán dần. Cuộc sống ngày một tồi tệ. Tôi đi buôn vài chuyến, bán cái nhà dưới (nhà cất cập nhà trên để dùng làm nhà bếp, nhà kho), đi buôn vài chuyến nữa, gở tôn (tole) xuống bán (lúc ấy tole rất có giá) rồi lợp lá. Sau đó lá hư, không tiền mua lá mới, nên mua tấm nhựa đen rẻ hơn (lúc đó gọi là tấm nhựa lợp Liên Xô) lợp lên. Cuộc sống quá gian khổ không còn giờ để nghĩ đến bạn bè. Cứ thế, đời trôi qua trong tăm tối…  

Rồi một ngày kia, tôi chợt nghe tin ai đó gặp anh Thành đi theo phà cưa (chiếc phà có đặt máy cưa gỗ để chạy đi cưa gỗ đó đây), điều đó có nghĩa là anh Thành… còn sống !

3. TÌM  BẠN

Có một em học trò đi mua bán xe đạp cũ đến chào hàng, tôi nghĩ ra một nghề mới, là “mua bán sơn sửa tân trang xe đạp”. Tôi cho em tôi đi học sơn xe, dành dụm tiền trang bị đồ nghề, và lên bảng hiệu mở cửa tiệm xe đạp. Thời điểm ấy xe đạp trở nên rất quý. Lúc đó, mấy chú bộ đội thường khoe : “Ở ngoài Bắc, nhà nào cũng có chiếc xe đạp”. Xe mô-tô là hàng xa xỉ ! Thật là giản dị, một cái “nghề” ở tại nhà, vậy mà “ăn nên làm ra”, tôi trương luôn bảng hiệu “vẽ quảng cáo”, và kiếm thêm thu nhập “đáng kể” ! Tôi trả được nợ nần, và cuộc sống dần dần ổn định.

Cùng với một người thân, tôi bắt đầu đi tìm anh Thành. Tin tức về anh Thành rất khác nhau, khi thì nghe nói anh đi trên chiếc ghe bán hoa kiểng, khi thì nghe anh làm công trên một chiếc phà cưa, khi thì nghe anh đã bỏ nhà đi làm ăn xa, nhưng cái tin đối với tôi quan trọng nhất, đó là tin anh đã lập gia đình.

Tôi tìm về ngay nhà cha mẹ anh Thành. Lúc ấy anh Thành còn mẹ. Bà còn khỏe mạnh. Sau khi tự giới thiệu, tôi hỏi về anh Thành.

- Thưa bác, anh Thành có ở nhà không bác ?

- Có, cháu ! Nó đi làm, thường tối tối mới về. Để bác gọi nó về sớm !

- Không, thưa bác, cứ để ảnh về bình thường đi ạ. Cháu chờ, đêm nay cháu ở đây mà.

- Không, thường sau khi làm, nó nhậu chơi với bạn bè rồi mới về. chờ lâu lắm.

- Ảnh làm gì hả bác. Cháu tới chỗ ảnh làm được không ạ ?

- Nó bốc vác gạo ở nhà máy. Xa lắm, để bác gọi nó.

- Tối ảnh về đây ngủ hả bác ?

- Ừa, thì về nhà ngủ, đâu có ngủ lại ở nhà máy.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, rồi hỏi:

- Ảnh ngủ chỗ nào bác ?

- Ừa… ối ! Chỗ nào nó cũng nằm được á mà ! Để bác kêu người gọi nó.

Chừng một tiếng sau, anh Thành mới về, lúc này phố thị đã lên đèn. Chúng tôi gặp nhau, vô cùng cảm động. Anh Thành bắt tay tôi, siết mạnh, tôi tưởng bàn tay tôi nát vụn trong bàn tay của anh chàng võ sĩ ngày nào.

- Tiếng chờ một chút, mình đi mua mồi cái đã.

Tôi còn nhớ rất rõ, anh mua về "bánh cóng". Loại bánh bằng bột đổ vào cái cóng nhỏ, rải trên mặt vài con tép, rồi nhúng vào chảo dầu (mỡ) đang sôi, chín rồi, đổ ra, thành một cục tròn như cục đá trong tủ lạnh. Mua thêm mớ rau ăn kèm. Đây là mồi nhậu “dã chiến” nhanh nhất, rẻ nhất, mà cũng ngon (được được chứ không phải là nhất !). 

Ly rượu đêm nay ngon quá, nồng nàn tình tri kỷ. Anh ốm và già hơn xưa nhiều. Năm ấy là năm 1989, vậy là đã 14 năm xa cách. Cứ mỗi lần nước mắt tôi muốn trào ra, là tôi uống vào một ly rượu dằn xuống. Nghĩ cũng lạ, vậy mà hiệu nghiệm, nước mắt không ứa ra để nụ cười hội ngộ được tươi trọn vẹn. Hay nước mắt không trào ra để tình bạn đừng yếu mền như “nhi nữ thường tình”. Có mấy cái bánh cóng thôi, mà nhậu hoài không hết. Vì rượu tao phùng tự nó đã ngọt mềm môi rồi, đâu cần mồi màng gì nữa.

0 giờ rồi !

- Để mình dọn chỗ cho Tiếng ngủ nhé !

- Không, em muốn về nhà anh ngủ.

- Nhà nào ? Trời ơi, Tiếng say rồi hả ?

- Tôi làm bộ nói nhừa nhựa.

- Em say thiệt rồi đó ! Nhưng…  mà em muốn ngủ ở nhà anh.

Anh Thành cười lớn:

- Nhà này, chớ còn nhà nào nữa ?

- Nếu anh không chịu đưa em về nhà anh, anh mua rượu thêm đi. Mình nhậu tới sáng, rồi em về luôn. Không có ngủ nghỉ gì hết.

Anh ba Vồ, (thường nghe gọi ảnh như vậy, không biết tên thật của ảnh là gì), là anh của anh Thành, anh Thành thứ năm) ra hiệu anh Thành bước ra, nói nói gì đó. (Sau này, anh Thành kể lại, lúc ấy anh ba nói: “Lúc nẩy ổng ngồi nói chuyện với má, chắc ổng biết hết rồi”). Anh Thành bước vào. Im lặng một lúc, rồi nói:

- Được rồi, mình chuẩn bị đi nhen.

Con đường vào nhà anh lúc ấy đầy ổ gà, ổ “voi”, đá chông chênh, lầy lội.

Rẽ vào một con hẽm ngắn, đến căn nhà lá nhỏ, nằm bên cạnh ngôi chùa cổ kính.

- Vào nhà Tiếng ơi. - Tràng ơi, có bạn anh tới thăm! (nói chuyện với vợ, anh luôn kêu bằng tên).

Một lát sau, vợ anh bước ra chào, rồi bước vào ngay.

Nhà bằng cây tràm, vách và mái bằng lá, khoảng 4 m chiều rộng và 8 m chiều dài. Được ngăn đôi bằng một tấm màn vải. Căn trước là phòng khách, có một chiếc bộ ngựa rộng 1m. Ở giữa có cái bàn nhỏ, ghế dựa loại có sườn sắt bọc sợi ni-lon nhưng những sợi ni-lon đã được thay thế bằng bao chỉ xanh để ngồi. Sau này anh nói anh đã hỏi mua bộ ghế đó ở chỗ bán phế liệu, để về sửa lại xài, và người ta đã cho anh.

- Nước trà Tiếng ơi.

Tôi ngồi vào ghế, cầm ly trà, không biết nói gì ! Đầu óc nghĩ lung tung. Bây giờ tôi hiểu vì sao anh giấu, không muốn tôi tới đây. Anh khổ đến thế sao ?
 

(Phương Thảo và Phương Thủy khi còn nhỏ - Hai em gái ở giữa)
 

Phía sau tấm màn, có tiếng trẻ thơ khóc.

- Chị sinh lâu chưa anh ?

- Mới sinh gần đây.

- Gái hay trai ? Anh đặt tên nó chưa ?

- Rồi. Phương Thảo. Nguyễn Trịnh Phương Thảo.

Đó là đứa con gái lớn của anh. Nó bao nhiêu tuổi, là bao nhiêu năm tôi gặp lại được người bạn cũ.

        (Còn tiếp)

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
_____________

Tôi mất một người bạn 02

Tôi mất một người bạn 03

Tôi mất một người bạn 04

Tôi mất một người bạn 05

Tôi mất một người bạn 06

Tôi mất một người bạn 07

Tôi mất một người bạn 08

Tôi mất một người bạn 09

Tôi mất một người bạn 10

 

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

16131397
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
11121
16775
37633
16009132
283335
406480
16131397

Your IP: 18.218.63.176
Server Time: 2025-01-21 17:58:47